Gần 46.000 bé gái không có cơ hội được sinh ra tại Việt Nam mỗi năm

Minh Nhật

(Dân trí) - Tình trạng lựa chọn giới tính dựa trên cơ sở định kiến giới có thể nhìn nhận trực tiếp qua "tỷ số giới tính khi sinh", và tỷ số này của Việt Nam hiện cao thứ 3 trên thế giới.

Mỗi năm, tại Việt Nam có khoảng 45.900 bé gái không có cơ hội được sinh ra. Con số "đáng báo động" này được bà Hà Thị Quỳnh Anh, Chuyên gia về giới và nhân quyền - Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) nêu ra tại lớp "Tập huấn báo chí kỹ năng viết về chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới và lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới".

Lớp tập huấn do UNFPA; Tổng cục Dân số, Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) tổ chức.

Phân tích về kết quả này, theo bà Quỳnh Anh, số liệu điều tra năm 2019 chỉ ra tỉ lệ giới tính khi sinh tại Việt Nam đạt mức là 111.5 trẻ trai/100 trẻ gái. Trong khi đó, tỉ lệ sinh "tự nhiên" là 105 - 106 trẻ trai/100 trẻ gái.

Gần 46.000 bé gái không có cơ hội được sinh ra tại Việt Nam mỗi năm - 1

Bà Hà Thị Quỳnh Anh, Chuyên gia về giới và nhân quyền - Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA).

Bà Quỳnh Anh chỉ rõ: "Báo cáo tình trạng dân số thế giới ước tính mỗi năm Việt Nam sẽ có khoảng 45.900 bé gái không được sinh ra chỉ vì mang... "giới tính nữ"".

Chuyên gia này nhấn mạnh, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh chỉ là phần "ngọn" của vấn đề định kiến giới và bất bình đẳng giới đã tồn tại dai dẳng ở Việt Nam.

Tình trạng lựa chọn giới tính dựa trên cơ sở định kiến giới có thể nhìn nhận trực tiếp qua "tỷ số giới tính khi sinh" và tỷ số này của Việt Nam hiện cao thứ 3 trên thế giới, chỉ xếp sau Trung Quốc và Ấn Độ.

Đáng nói, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam có tốc độ gia tăng nhanh hơn nhiều so với một số nước châu Á.

Chuyên gia này cũng chỉ rõ 3 nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở nước ta:

- Thứ nhất, do Việt Nam là một quốc gia châu Á có nền văn hóa truyền thống với tư tưởng Nho giáo đóng vai trò chủ đạo. Một trong những giá trị quan trọng của tư tưởng này là việc có con trai để nối dõi tông đường, thờ phụng tổ tiên, phụng dưỡng cha mẹ.

- Thứ hai, do hiện nay quy mô gia đình nhỏ ngày càng trở nên phổ biến, mỗi cặp vợ chồng thường sinh 1-2 con nhưng mong muốn trong số đó phải có con trai. Vì vậy, họ đã sử dụng các dịch vụ lựa chọn giới tính trước sinh để đáp ứng được cả hai nhu cầu trên.

- Thứ ba, việc lạm dụng những tiến bộ khoa học công nghệ để thực hiện lựa chọn giới tính trước sinh, trong lúc thụ thai hoặc khi đã có thai để chẩn đoán giới tính.

"Trọng nam khinh nữ, chuộng con trai, phải có con trai để nối dõi tông đường là những định kiến góp phần khiến thực trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam ở mức báo động", bà Quỳnh Anh nhấn mạnh.

Chính vì tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh nên ước tính đến năm 2034 Việt Nam sẽ "dư thừa" khoảng 1,5 triệu nam giới từ lứa tuổi 15 - 49.

Nếu tình trạng này không được cải thiện, đến năm 2059, Việt Nam sẽ "dư" 2,5 triệu nam giới.

Tại lớp tập huấn, bà Naomi Kitahara - Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam nhận định, mặc dù vấn đề bình đẳng giới ở Việt nam đã được cải thiện nhiều, nhưng bạo lực gia đình và lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới, những hành vi gây tổn hại đến phụ nữ và trẻ em gái, vẫn là những vấn đề nổi cộm và đang tiếp diễn.

"Việc "thích con trai hơn con gái" vốn là một tư tưởng cũ truyền thống không hề tốt đẹp, chính là một sản phẩm của hệ tư tưởng định kiến giới, hệ tư tưởng đã trao cho đàn ông và trẻ em trai địa vị xã hội cao hơn và thiên vị các bé trai so với các bé gái", bà Naomi Kitahara nhấn mạnh.

Trước thực trạng này, UNFPA đã tổ chức nhiều hoạt động để can thiệp chấm dứt lựa chọn giới tính khi sinh như truyền thông tập trung vào việc huy động sự tham gia của nam giới và trẻ em trai vào việc thay đổi các quan niệm xã hội về giới thông qua chương trình "Làm cha trách nhiệm"; Chiến dịch quốc gia về Ngày quốc tế trẻ em gái; Xây dựng Đề án quốc gia về Giải quyết mất cân bằng giới tính khi sinh...

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm