Gần 400 nghìn phụ nữ tử vong khi mang thai hoặc sinh đẻ mỗi năm
(Dân trí)- Thống kế tại 58 quốc gia, trong đó có Việt Nam cho thấy: Mỗi năm có tới 358.000 phụ nữ tử vong trong thời kỳ mang thai hoặc trong khi sinh đẻ; khoảng 2 triệu trẻ sơ sinh qua đời trong vòng 24 giờ đầu tiên và có đến 2,6 triệu trường hợp thai chết lưu.
Mỗi năm, có tới 358.000 ca tử vong mẹ sẽ phòng tránh được nếu dịch vụ hộ sinh tại 58 quốc gia đang phát triển (trong đó có Việt Nam) được cải thiện vào năm 2015. Đây là số liệu vừa được trình bày tại Lễ công bố báo cáo “Tình trạng Hộ sinh Thế giới năm 2011” do Bộ Y Tế và Liên Hợp Quốc tại Việt Nam tổ chức ngày 10/11, tại Hà Nội.
Báo cáo tình trạng hộ sinh thế giới năm 2011 dựa trên kết quả điều tra ở 58 quốc gia có thu nhập thấp, trong đó có Việt Nam. Theo thống kế, mỗi năm có tới 358.000 phụ nữ tử vong trong thời kỳ mang thai hoặc trong khi sinh đẻ; khoảng 2 triệu trẻ sơ sinh qua đời trong vòng 24 giờ đầu tiên và có đến 2,6 triệu trường hợp thai chết lưu. Đáng chú ý phần lớn các ca tử vong và di chứng bệnh tật bà mẹ và trẻ sơ sinh xảy ra tại các nước có thu nhập thấp và tại những nơi mà phụ nữ nghèo chưa được quan tâm và không có cơ hội để tiếp cận với các cơ sở y tế có khả năng cung cấp dịch vụ hoặc các nhân viên y tế có chuyên môn, đặc biệt những nhân viên y tế có kỹ năng hộ sinh.
Tại Việt Nam, PGS. TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: Qua 10 năm thực hiện Chiến lược quốc gia về dân số, Chiến lược quốc gia về chăm sóc sức khỏe sinh sản giai đoạn 2001-2010 cũng như thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ 4, 5 và 6, Việt Nam đã đạt được sự chuyển biến tích cực về sức khỏe bà mẹ và trẻ em.
Tuy nhiên, theo TS. Lưu Thị Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ, trẻ em (Bộ Y tế), dù đã đạt được những chuyển biến tích cực trong vấn đề chăm sóc sức khoerm sinh sản, hiện tại VN vẫn còn tới 33% BV huyện chưa thực hiện được mổ lấy thai và 48% chưa có khả năng truyền máu. Bên cạnh đó, còn khoảng 517 trạm y tế xã chưa có hộ sinh, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa miền núi, nơi có điều kiện đi lại khó khăn. Thai phụ ở những vùng này luôn chịu sự thiếu hụt các dịch vụ chăm sóc thai sản mà lẽ ra họ cần phải có. Đây là một trong những trở ngại lớn trong việc hỗ trợ sinh đẻ và cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe trước và sau sinh.
Ông Tiến cũng cho rằng, vai trò của hộ sinh và công tác hộ sinh là cực kỳ quan trọng trong hệ thống chăm sóc sức khoẻ bà mẹ và trẻ sơ sinh ở Việt Nam và cần có thêm phương án nâng cao về số lượng và chất lượng của đôi ngũ này, đặc biệt tại các thôn bản, vùng sâu, xa- nơi có tỷ lệ mẹ tử vong cao hơn hẳn so với khu vực đồng bằng, tập chung đầy đủ hệ thống y tế.
Báo cáo về Tình trạng Hộ sinh Thế giới năm 2011 còn cho thấy, nếu không có thêm 112.000 hộ sinh được đào tạo và tuyển dụng thì 38 trong số 58 quốc gia được nghiên cứu có thể sẽ không đạt được Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ số 5 về sức khỏe bà mẹ là phấn đấu đạt được 95% các ca sinh đẻ được trợ giúp bởi những người đỡ đẻ có kỹ năng vào năm 2015.
Ngoài sự thiếu thốn nhân lực trong ngành hộ sinh, bản báo cáo còn cho thấy sự không đồng đều về chất lượng y tế trong bản thân mỗi quốc gia. Do đó, bản báo cáo đã đưa ra một loạt các khuyến nghị tới các chính phủ, cơ quan nhà nước, các nhà hoạch định chính sách, các trường học và tổ chức quốc tế để giải quyết những thách thức và cải thiện tình trạng nghề hộ sinh tại 58 quốc gia được điều tra.
Tăng cường khả năng tiếp cận của phụ nữ với dịch vụ hộ sinh có chất lượng là một trong các ưu tiên toàn cầu nhằm giúp tăng cường nhận thức về quyền của phụ nữ trong việc tiếp cận chăm sóc y tế tốt nhất trong khi họ đang mang thai hoặc sinh đẻ. Vấn đề này cũng là trọng tâm của ba Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ liên quan tới y tế là giảm tỷ lệ tử vong trẻ em (MDG 4), cải thiện sức khỏe của bà mẹ (MDG 5), và phòng chống HIV/AIDS, bệnh sốt rét và các căn bệnh khác (MDG 6).
P. Thanh