"F0 phải được điều trị sớm nhất, không phải đi bệnh viện sớm nhất"
(Dân trí) - Theo chuyên gia truyền nhiễm, chỉ số quan trọng nhất đối với người bệnh Covid-19 là chỉ số tinh thần, và F0 phải được điều trị sớm nhất chứ không phải đi bệnh viện sớm nhất.
Tại hội thảo Bảo vệ sức khỏe, thích ứng an toàn với dịch Covid-19 do báo Tiền Phong tổ chức vào 24/11, các chuyên gia đã tranh luận, mổ xẻ và đưa ra nhận định về tình hình dịch bệnh cũng như biện pháp chăm sóc, điều trị F0 sao cho hiệu quả trong thời điểm hiện nay.
Đừng quá quan trọng vùng vàng hay vùng xanh
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch Thường trực Hội Truyền nhiễm TPHCM, nguyên trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM thẳng thắn nhận định, dù dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát nhưng có những cái đến giờ vẫn chưa làm được, chưa làm hết sức.
Theo bác sĩ Khanh, trong đợt dịch Việt Nam đã quan tâm đến quá nhiều chỉ số, nhưng chỉ số tinh thần mới là quan trọng nhất với người bệnh. F0 phải được điều trị sớm nhất chứ, chứ không phải đi bệnh viện sớm nhất. Có những lúc các biện pháp chống dịch còn quá cứng nhắc, không nghe người bệnh, hiểu người bệnh cần gì.
Do đó ngoài fanpage "Hỏi bác sĩ nhi đồng", mùa dịch bác sĩ Khanh còn lập cả nhóm trên zalo, fanpage cung cấp kiến thức về Covid-19 và group tâm sự của F0 trên mạng xã hội. Những chia sẻ này hết sức quan trọng, giúp hỗ trợ rất nhiều những sự cô đơn, bất lực, bơ vơ mà F0 gặp phải trong cuộc chiến với Covid-19.
Bác sĩ Khanh cho biết thêm, nhóm kín mùa Covid-19 mà ông lập ra, ban đầu chỉ có những F0 đang nhiễm bệnh. Nhưng sau đó, ông nhận ra phải cần có thêm "trọng tài", có ý kiến của người có chuyên môn ở các lĩnh vực để đưa ra lời khuyên thiết thực nhất. Hiện tại sau một thời gian ngắn hoạt động, nhóm đã trên 60.000 thành viên.
"Chúng ta đừng quá quan trọng về những con số, về vùng màu vàng hay xanh. Đảm bảo 5K và vaccine là những yếu tố quan trọng nhất" - bác sĩ Khanh đưa ra lời khuyên về các giải pháp phòng chống dịch hữu hiệu nhất.
PGS.TS Trần Đắc Phu, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam chia sẻ, vẫn còn nhiều người dân nhầm lẫn trong việc cách ly tại nhà. Theo đó, người dân nghĩ cách ly tại nhà là theo dõi sức khỏe tại nhà nhưng vẫn đi làm được. Tuy nhiên, cách ly tại nhà đúng là phải ở nhà, không đi ra ngoài, không đi spa, làm tóc...
Ông Phu cho rằng, việc chống dịch cần có sự chỉ đạo điều hành thống nhất từ Trung ương tới địa phương, với sự hiệp lực tham gia của toàn thể các ban, ngành như Y tế, Quân đội, Công an, Ngoại giao, Thông tin truyền thông, Giao thông vận tải, Công thương. Trong đó ngành y tế là nòng cốt. Ngoài ra, không thể thiếu sự vận động toàn dân tham gia tham gia.
Trong các biện pháp chống dịch, 5K là vô cùng quan trọng. Và biện pháp giãn cách xã hội rộng chỉ thực hiện khi dịch không còn kiểm soát được.
Nguy cơ làn sóng dịch thứ 5 bùng phát vẫn hiện hữu
Chia sẻ về kinh nghiệm điều trị hậu Covid-19, bác sĩ Đinh Quang Thanh, Phó Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng và Điều trị bệnh nghề nghiệp TPHCM cho biết, đã có những bệnh nhân hậu Covid-19 hoảng loạn tinh thần nghiêm trọng. Có trường hợp nửa đêm đi lang thang rồi vài ngày sau phát hiện đã nhảy sông tự tử. Hay trường hợp hai vợ chồng F0, đang điều trị hậu Covid-19 thì chồng chích điện vợ đến tử vong.
Qua đó cho thấy bệnh nhân Covid-19 bị stress, ảnh hưởng nặng nề về tâm lý như thế nào. Cần đánh giá toàn diện các tài liệu hiện tại về hậu Covid-19 cấp tính, sinh lý bệnh và các di chứng cụ thể trên cơ quan của nó để có giải pháp hỗ trợ người bệnh phù hợp.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) nhận định, Việt Nam đã trải qua 4 lần bùng dịch và luôn hiện hữu nguy cơ làn sóng dịch thứ 5 sẽ bùng phát nếu buông lỏng cảnh giác.
Lãnh đạo Bộ Y tế cho rằng khi thực hiện chiến lược thích ứng an toàn, chúng ta phải ý thức từ mỗi tế bào của xã hội, thực hiện nghiêm hướng dẫn chuyên môn, sẵn sàng ứng phó nếu dịch bệnh bùng phát.
Các cơ sở khám chữa bệnh, các bệnh viện phải đáp ứng sẵn sàng thích ứng 4 tại chỗ. Các bác sĩ phải được huấn luyện, thực hành để ứng phó sẵn sàng đối phó đại dịch. Sẵn sàng thích ứng với đại dịch ở cấp cao nhất là cấp độ 4.
Mục tiêu cuối cùng của mọi cuộc chiến, bao gồm cuộc chiến với Covid-19 là giảm tỷ lệ tử vong đến mức thấp nhất. Ông Khuê tin tưởng với sự vào cuộc của mọi nguồn lực, tầng lớp, mọi người dân, Việt Nam sẽ ngăn chặn và đẩy lùi được các đợt dịch xâm nhập, bùng phát trong thời gian tới.