EV71 tấn công mạnh lứa tuổi mẫu giáo

(Dân trí) - “Ở lứa tuổi này, trẻ lăn lê bò toài nhiều rồi lại hay cho tay vào miệng… nên nguy cơ bị các loại vi rút EV71 tấn công rất cao hơn ở tất cả các lứa tuổi khác”, TS Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cảnh báo.

Trẻ nên nghỉ học khi bị tay - chân - miệng

Đó là khuyến cáo của Bộ Y tế để giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh cho  bạn học. Nhất là với lứa tuổi mẫu giáo, khi một em bị bệnh vẫn đến lớp, chơi đùa cùng các bạn, lăn lê bò toài ở sàn nhà, chơi chung đồ chơi… sẽ khiến các trẻ khác rất dễ nhiễm bệnh. Ngoài ra, gia đình, nhà trẻ, trường học cần vệ sinh cá nhân cho trẻ và vệ sinh môi trường để phòng dịch vì bệnh lây qua đường phân.

PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ T.Ư cho biết: Vi rút gây bệnh tay chân miệng có nhiều chủng khác nhau, trong đó EV71 có độc lực cao và khả năng lây lan rất nhanh.

Tất cả mọi đối tượng, từ lớn đến bé đều có thể bị nhiễm EV71 nhưng không phải tất cả người nhiễm đều có triệu chứng. Triệu chứng chỉ thể hiện ở những người có cơ địa yếu, đặc biệt là trẻ em.

Theo tống kê tại VN, bệnh xuất hiện chủ yếu ở trẻ dưới 10 tuổi. Còn tại Trung Quốc, với gần 10 ngàn trường hợp mặc thì đều ở lứa tuổi dưới 6 tuổi, trong đó, đa phần đều dưới 2 tuổi.

Vẫn có thể tái mắc EV71

Theo TS Hiển, bệnh gặp ở trẻ nhiều hơn người lớn, có thể do trẻ chưa có kháng thể. Ngoài ra, cha mẹ cần lưu ý, không phải trẻ đã mắc tay - chân - miệng một lần là vĩnh viễn không tái mắc. Vì EV71 có nhiều chủng khác nhau, khi mắc bệnh, vẫn có thể mắc lại nhưng là những tuýp khác của EV71.

“Kết quả giám sát bệnh tại Việt Nam cho thấy: đã phát hiện một số chủng của EV71. Cụ thể, tiến hành xét nghiệm một số bệnh nhân tay - chân - miệng ở miền Trung, phát hiện EV71 nhóm C, C4, C5 do vậy, miễn dịch là khác nhau. Hiện, vẫn chưa thể xác định chủng nào đang lưu hành tại Việt Nam”, ông Hiển nói.

Ngoài ra, viện vệ sinh dịch tễ T.Ư còn phân lập được EV71 trong nước, trong đất, rau. Như vậy, nếu ăn phải thức ăn nhiễm bẩn cũng bị nhiễm EV71.

Quan trọng là ý thức phát hiện bệnh

Vi rút EV71 có trong dịch tiết mũi họng, nước bọt, mụn nước, trong phân, vì thế, rất dễ lây truyền qua ăn uống, sinh hoạt.

Các chuyên gia dịch tễ cho rằng, bệnh tay chân miệng bùng phát trên diện rộng, quy mô lớn hay không phụ thuộc nhiều vào ý thức phát hiện bệnh của bệnh nhân. Cần phát hiện sớm, nếu tay, chân miệng nếu có những mụn nước, nổi nên vào viện ngay để cách ly, vừa tránh lây lan cho cộng đồng, vừa theo dõi được biến chứng viêm não.

Còn những trẻ mắc tay - chân - miệng thể nhẹ có thể điều trị tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ, như hạ sốt nếu sốt cao, bù nước và điện giải, cho ăn đủ chất (nấu kỹ và dễ tiêu) để tránh suy kiệt, không dùng thuốc cầm đi ngoài. Trẻ phải nghỉ học và cách ly để tránh lây.

Sắp có phác đồ điều trị bệnh tay chân miệng

 

Theo thống kê, năm 2007, cả nước có gần 3.000 ca bệnh tay chân miệng. Tuy nhiên năm nay, chỉ 4 tháng đầu năm đã có khoảng 3.000 ca bệnh với 10 trẻ tử vong.

 

Trước nguy cơ bùng phát bệnh tay chân miệng do vi rút EV71, Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế đã họp và tiếp tục bàn bạc, thống nhất để đưa ra phác đồ điều trị bệnh chân tay miệng do virus EV7.

 

Ngay sau khi phác đồ được công bố, Bộ Y tế sẽ triển khai tập huấn cách phát hiện và điều trị bệnh cho cán bộ y tế tại một số tỉnh phía Nam.

 

Ngoài ra, các địa phương có dịch bệnh tay chân miệng cần tiến hành thành lập BCĐ phòng chống dịch nhằm tập trung phát hiện kịp thời những ca bệnh để xử lý sớm ổ dịch, không để bùng phát, giám sát điều trị bệnh theo đúng phác đồ.

Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm