Ép... heo vàng cuối năm

Theo dự sinh, chị N.T.V, 27 tuổi (TPHCM) sẽ sinh con vào khoảng mùng 10 Tết nhưng để bé sinh đúng năm “heo vàng”, chị đã tới nhờ bác sĩ. Sau khi bày tỏ, bác sĩ khuyên chị sinh thường thì tốt hơn nhưng nếu quyết tâm thì chiều 30 Tết cứ đến đây...

Càng cận Tết, càng chạy đua

 

Càng vào những ngày cuối cùng của năm Đinh Hợi, nhiều sản phụ càng nóng ruột trước khát khao phải sinh được “heo vàng”. Dù thai nhi chưa đủ 9 tháng 10 ngày, nhưng các thai phụ đã nhờ cậy các bác sĩ quen để xếp lịch sinh mổ.

 

Tại khu khám bệnh BV Phụ sản TƯ (Hà Nội), chị L.T.H, 27 tuổi, ở phố Đội Cấn, quận Ba Đình, cho biết theo dự tính con trai đầu lòng của chị sẽ sinh ngày 14/2, nhưng cả nhà đều mong cháu sẽ chào đời trong năm “heo vàng” này. Mấy đợt khám gần đây chị đều đề nghị bác sĩ cho chị được mổ nếu sát Tết vẫn chưa sinh. Cạnh đó, chị P.M.L, 33 tuổi, ở Đông Anh, Hà Nội khẳng định “chắc như đinh đóng cột”, gia đình chị đã chọn ngày lành, tháng tốt và đã hẹn bác sĩ xếp lịch để cháu chào đời rồi. Em bé ra đời đúng năm “heo vàng”, lại thêm ngày giờ tốt, theo chị, sẽ được hưởng sung túc, an vui.

 

Còn chị N.T.N, 32 tuổi, ngụ tại Q.5, TPHCM, sau khi sinh được “heo vàng” theo ý muốn, đã tận tình truyền đạt kinh nghiệm để được sinh mổ cho những bà mẹ khác. Theo chị, muốn sinh tại BV nào thì phải tìm bác sĩ có phòng mạch tại BV đó. Đến ngày giờ tốt mà gia đình đã chọn, cứ đến khoa cấp cứu của BV và gọi điện cho bác sĩ mà mình đã theo khám thai. Tùy vào từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ đưa ra những lý do "hợp lý" để thai phụ được mổ. Cùng lắm, nếu chẳng tìm được lý do gì thì sẽ “quy” là sinh con quý.

 

Lạm dụng sinh mổ: Khó kiểm soát

 

Một bác sĩ làm tại BV Từ Dũ TPHCM thừa nhận, để kiểm soát được việc có lạm dụng sinh mổ hay không thì không phải chuyện dễ. Một phần vì các BV phụ sản luôn trong tình trạng quá tải, các bác sĩ luôn phải làm việc với cường độ cao... nên còn đâu thời gian để kiểm soát. Phần khác, những lý do như đau vết mổ cũ, thai to, con quý... còn là ranh giới rất hẹp giữa sinh thường và sinh mổ. Ví dụ, với thai nặng 3,5kg, nhiều người vẫn có thể để sinh thường được nhưng kết luận là thai to cần phải mổ thì cũng không sao cả. Hoặc các thai phụ đã sinh mổ trước đó thì càng dễ hơn. Họ chỉ cần nói lý do đau vết mổ cũ... thì cho dù đau thật hay giả, các bác sĩ cũng đành chấp nhận cho họ mổ. Nếu không, nhỡ bệnh nhân có mệnh hệ gì thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm(!).

 

Trước tình trạng sinh mổ diễn ra ngày càng phổ biến, một lần nữa bác sĩ Nguyễn Viết Tiến, Giám đốc BV Phụ sản TƯ, phải nhắc lại trẻ được sinh ra tự nhiên sẽ giảm nguy cơ bệnh tật và chống khuẩn tốt hơn những trẻ sinh mổ. Mổ lấy thai có nhiều bất lợi như em bé rất dễ bị suy hô hấp, nhiễm trùng và nhiều biến chứng như: viêm võng mạc sơ sinh, xẹp phổi... Hơn nữa, sản phụ còn phải chịu nhiều tác động của thuốc gây mê, thuốc tê, có nguy cơ nhiễm trùng vết mổ, tai biến và hơn 2 năm sau người mẹ mới có thể sinh con tiếp vì vết sẹo mổ có thể nứt nếu thời gian mang thai quá gần.

 

Theo Người lao động