Em bé lớn lên trong bụng mẹ như thế nào?
(Dân trí) - Bạn đã có thai. Xin chúc mừng! Bạn có tò mò muốn biết em bé đang phát triển đến mức nào, con bạn sẽ trông như thế nào khi bé lớn lên trong bụng bạn, và khi nào thì bạn sẽ cảm thấy được cử động của em bé? Những hình ảnh dưới đây sẽ giúp bạn nhìn thấy em bé phát triển như thế nào sau mỗi tháng.
Thụ thai
Thụ tinh, hay thụ thai, xảy ra khi một tinh trùng gặp và thâm nhập vào một trứng. Tại thời điểm này, bộ di truyền đã hoàn chỉnh, bao gồm cả giới tính của em bé. Trong vòng khoảng ba ngày sau khi thụ thai, trứng đã thụ tinh sẽ phân chia rất nhanh thành nhiều tế bào. Nó đi qua ống dẫn trứng vào tử cung và bám vào thành tử cung. Bánh rau, sẽ nuôi dưỡng em bé, cũng bắt đầu hình thành.
4 tuần
Lúc này em bé đang hình thành các cấu trúc mà cuối cùng sẽ hình thành khuôn mặt và cổ. Tim và mạch máu tiếp tục phát triển. Và phổi, dạ dày và gan bắt đầu phát triển. Thử thai tại nhà sẽ cho kết quả dương tính.
8 tuần
Em bé bây giờ có kích thước khoảng 1,5cm. Mi mắt và tai đang hình thành, và bạn có thể thấy đầu mũi. Tay và chân đã hình thành rõ. Các ngón tay và ngón chân phát triển dài hơn hơn và tách xa hơn.
12 tuần
Em bé có kích thước khoảng 5cm và bắt đầu có cử động. Bạn bắt đầu cảm thấy phần trên của tử cung nhô lên phía trên xương mu. Bác sĩ có thể nghe nhịp tim của bé bằng các dụng cụ đặc biệt. Cơ quan sinh dục của em bé bắt đầu trở nên rõ ràng.
16 tuần
Bé bây giờ có kích thước khoảng 11-12cm và nặng khoảng 100g. Bạn sẽ có thể cảm nhận được đỉnh tử cung nằm dưới rốn khoảng 7,5cm. Em bé đã có thể chớp mắt, tim và mạch máu đã hình thành đầy đủ. Các ngón tay và ngón chân của em bé có dấu vân tay và vân chân.
20 tuần
Em bé nặng khoảng 300g và dài hơn 15cm một chút. Tử cung sẽ ở ngang với rốn. Bé có thể mút ngón tay cái, ngáp, duỗi người và biểu cảm khuôn mặt. Chẳng bao lâu nữa - nếu chưa có - bạn sẽ cảm thấy cử động của em bé, được gọi là "thai máy ".
Thời điểm siêu âm
Siêu âm thường được thực hiện cho tất cả phụ nữ mang thai sau 20 tuần. Trong lần siêu âm này, bác sĩ sẽ đảm bảo rằng bánh rau khỏe mạnh, bám bình thường và em bé phát triển đúng cách. Bạn có thể thấy nhịp tim và cửđộng của cơ thể, cánh tay và chân của bé trên siêu âm. Bạn thường có thể nhìn thấy đó là bé trai hay bé gái ở tuần 20.
24 tuần
Em bé nặng khoảng 630g và phản ứng với âm thanh bằng cách cử động hoặc tăng nhịp tim. Bạn có thể nhận thấy những chuyển động giật cục nếu em bé nấc. Với tai trong phát triển đầy đủ, em bé có thể cảm nhận được là đang nằm lộn ngược trong tử cung.
28 tuần
Em bé nặng khoảng 1000g, và thay đổi về ngôi thai thường diễn ra vào thời điểm này. Nếu bạn phải đẻ sớm vào lúc này, em bé có cơ hội sống sót. Hãy hỏi bác sĩ về các dấu hiệu cảnh báo sinh non. Bây giờ là lúc để đăng ký lớp học tiền sản. Các lớp học tiền sản sẽ chuẩn bị cho bạn nhiều khía cạnh của việc sinh con, bao gồm cả chuyển dạ, đẻ và chăm sóc trẻ sơ sinh.
32 tuần
Em bé nặng gần 1,8kg và cử động thường xuyên. Da của em bé ít nhăn hơn vì lớp mỡ bắt đầu hình thành dưới da. Từ giờ cho đến lúc đẻ, em bé sẽ tăng tới một nửa cân nặng sơ sinh. Hãy hỏi bác sĩ cách ghi biểu đồ chuyển động thai nhi. Suy nghĩ về việc cho con bú. Bạn có thể nhận thấy chất dịch màu vàng tiết ra từ ngực. Đó là sữa non, và nó xảy ra để ngực sẵn sàng cho việc tiết sữa. Hầu hết phụ nữ sẽ đi khám bác sĩ hai tuần một lần ở giai đoạn này.
36 tuần
Các em bé có kích thước khác nhau, tùy thuộc vào nhiều yếu tố, như giới tính, số em bé trong bụng mẹ (một thai hay đa thai) và tầm vóc của cha mẹ. Vì vậy, tốc độ tăng trưởng chung của bé cũng quan trọng ngang với kích thước thực tế. Trung bình, một em bé ở giai đoạn này sẽ dài khoảng 47cm và nặng gần 3,2kg. Bộ não đã phát triển nhanh chóng. Phổi gần như phát triển đầy đủ. Đầu lúc này thường được quay xuống dưới. Em bé được coi là “đủ tháng” khi được 37 tuần. Em bé sẽ là non tháng nếu ra đời ở tuần 37-39, đủ tháng nếu ra đời ở tuần 39-40 và là già tháng nếu chào đời ở tuần 41-42.
Chào đời!
Ngày dự sinh của người mẹ đánh dấu sự kết thúc tuần thứ 40 của thai kỳ. Ngày dự sinh tính dựa trên ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối cùng của người mẹ. Căn cứ vào đó, thai kỳ có thể kéo dài từ 38 đến 42 tuần với sinh đủ tháng trong khoảng 40 tuần. Một số trường hợp thai quá ngày dự sinh - kéo dài hơn 42 tuần - không thực sự là già tháng. Ngày dự sinh có thể không chính xác. Vì lý do an toàn, hầu hết các em bé sẽ được ra đời trước 42 tuần. Đôi khi bác sĩ có thể phải gây chuyển dạ.
Cẩm Tú
Theo WebMD