"Duyên nợ" với người mắc bệnh tâm thần
(Dân trí) - Bị đánh, chửi, phun nước bọt vào mặt... là chuyện thường xuyên thế nhưng họ vẫn lặng lẽ tận tâm chăm sóc các bệnh nhân của mình. Họ là những điều dưỡng viên, bác sĩ ở bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng.
“Tôi là người công giáo, trước đây tôi có ý định đi tu. Trong một lần theo người bạn đến thăm người nhà tại bệnh viện tâm thần, tôi thấy những bệnh nhân ở đây rất tội. Thế rồi tôi quyết định học y, về đây công tác với suy nghĩ chăm sóc bệnh nhân tốt coi như mình đã đi tu rồi”, đó là những lời bộc bạch của anh Nguyễn Cư - điều dưỡng viên khoa Nam.
Anh Cư về công tác ở bệnh viện đã được 6 năm. Đó cũng là những tháng ngày anh gắn bó, thương yêu bệnh nhân và bệnh nhân cũng thương anh lắm. “Mình thương họ thì họ cũng thương lại mình thôi”, anh nói. Anh cũng đã nhiều lần cứu sống những bệnh nhân có ý định tử tự và mỗi lần làm được một việc như thế anh sung sướng lắm.
“Hôm đó, trong ca trực đêm, tôi đi một vòng quanh bệnh viện thì phát hiện một bệnh nhân nam đang treo cổ tử tự trong phòng vệ sinh. Sau khi trở lại bình thường bệnh nhân đã ôm chầm lấy tôi mà khóc”, anh nhớ lại.
Bác sĩ Trần Văn Mau, trưởng khoa Nữ cấp tính, người có thâm niên công tác tại bệnh viện cũng rất “yêu” các bệnh nhân của mình. Cũng từng nhiều lần bị bệnh nhân tấn công, thậm chí bị lấy ghế đập vào đầu nhưng tình thương của anh đối với họ không vì thế mà giảm bớt. Nhiều bệnh nhân khi tỉnh táo vẫn tâm sự với anh về cuộc đời, những chuyện buồn của họ. “Tôi cũng không biết tại sao mình lại vào đây công tác. Chỉ biết tiếp xúc với bệnh nhân nhiều, càng thấy thương họ nhiều hơn”, bác sĩ Mau tâm sự.
Tận mắt chứng kiến cảnh các điều dưỡng viên gồng mình lên để ghì một bệnh nhân vừa lên cơn thì mới thấu hiểu được nổi vất vả của họ. “Mỗi lúc bệnh nhân lên cơn, mấy anh em phải xúm vào hỗ trợ nhau thì mới khống chế được họ”, anh Cư cho biết.
“Đến với bệnh nhân tâm thần cũng như một cái duyên”, điều dưỡng trưởng Bùi Thị Hạnh chia sẻ. Khi đang đi học, chị được về đây thực tập, được gần gũi những bệnh nhân không bình thường này chị hiểu họ nhiều hơn rồi cũng thương yêu họ nhiều hơn. Vậy nên, ra trường, dù có nhiều lựa chọn nhưng chị vẫn quyết định “đầu quân” về đây. Có tận mắt chứng kiến chị cho bệnh nhân uống thuốc, bón từng thìa cháo mới hiểu hết được những điều chị nói.
Chị vẫn nhớ mãi hình ảnh về một bệnh nhân mà giờ người đó đã mất rồi. Những lúc lên cơn, bệnh nhân đó rất hung dữ. Mỗi lần chị cho uống thuốc đều bị bệnh nhân tát vào má, túm cổ áo và chửi tục nhưng khi bình tĩnh trở lại, bệnh nhân đó luôn coi chị như một người bạn, một người chị. Có chuyện gì bệnh nhân đó cũng tâm sự với chị. Nhiều lần bệnh nhân đó còn ôm chị mà khóc rồi chị cũng khóc luôn.
Đi thăm phòng bệnh, nhiều bệnh nhân xúm lại vây quanh chúng tôi. Thấy tôi hơi sợ, điều dưỡng Lê Thị Thu Phương nói ngay: “Không sao đâu. Họ hiền lắm”. Rồi chị nói tiếp: “Những lúc lên cơn, việc gì họ cũng có thể làm. Các điều dưỡng như chúng tôi bị đánh trọng thương, dập mũi, bầm mặt là chuyện thường xuyên. Nhưng những lúc bình thường trở lại họ lại rất hiền. Nhiều khi họ giống như những đứa trẻ cần được chăm bẵm, dỗ dành. Họ vẫn thương yêu, hờn dỗi như những người bình thường khác”.
Những công việc như cho uống thuốc; bón cơm, cháo; tắm rửa; giặt giũ quần áo... nhưng nhiều khi chính người nhà của bệnh nhân không thể làm được nhưng với tập thể y bác sĩ, điều dưỡng thì không chỉ là trách nhiệm mà còn là cả tình người. Chính vì thế, họ cũng được bệnh nhân yêu quý, yêu quý hơn cả người nhà. Nhiều bệnh nhân khi người nhà đến đón đã không chịu về.
Ngoài điều trị bằng thuốc, bệnh viện còn sử dụng liệu pháp điều trị chức năng thông qua các hoạt động văn nghệ, xem phim, hát Karaoke... để giúp bệnh nhân nhanh chóng bình phục.
Đang trò chuyện ở phòng bệnh nhân bên này thì cách đó mấy phòng có tiếng la hét, quậy phá. Các bác sĩ, điều dưỡng viên vội vàng chạy qua. Người giữ, người chích thuốc, bệnh nhân lên cơn dần ngủ yên trở lại.
Khánh Hồng