1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Đường từ “tem giấy” đến heroin rất ngắn!

“Tem giấy”, còn gọi là “bùa lưỡi”, đang được một bộ phận không nhỏ học sinh tại nhiều nơi trong nước ta, đặc biệt là TP HCM, dùng dán vào lưỡi.

“Tem giấy”, còn gọi là “bùa lưỡi”, đang được một bộ phận không nhỏ học sinh tại nhiều nơi trong nước ta, đặc biệt là TP HCM, dùng dán vào lưỡi. Nhiều học sinh từng dùng cho biết loại “tem giấy” bí hiểm có nhiều giá khác nhau, được lấy từ miếng bìa giấy, mỗi bìa gồm 25 con tem giấy vuông, có kích cỡ hơn 1,5 cm. Nguy hiểm ở chỗ “tem giấy” nhắm vào đối tượng học sinh vốn chưa ý thức được bên trong có chứa chất nguy hại mà chỉ nghĩ đơn giản là một thứ trò chơi vô hại.

Chất gây ảo giác là gì?

Thực chất, mỗi con tem giấy được tẩm LSD - một chất ma túy gây ảo giác. LSD (lysergic acid diethylamide, viết tắt từ tiếng Đức lyserg sauer diethylamid) là một hóa chất được tìm ra vào năm 1943 nhằm chế tạo thuốc trị bệnh thần kinh - tâm thần nhưng nó gây ảo giác dữ dội nên được liệt vào chất cấm chứ không dùng trong điều trị.

Đường từ “tem giấy” đến heroin rất ngắn! - 1

Chất gây ảo giác làm cho người dùng mất hết lý trí, có thể gây tội ác (ảnh chỉ có tính minh họa) Ảnh: Hoàng Triều

Gọi là chất gây ảo giác khi nó được đưa vào cơ thể “gây nên sự hư hỏng tạm thời về mặt ý thức, liên quan đến sự nhận định sai lệch về không gian và thời gian”. Bên cạnh khí gây ảo giác như khí do dung môi keo con chó, còn có các chất gây ảo giác khác như cần sa (bồ đà) và ma túy đá (hút), thuốc lắc (uống). Các chất vừa kể đang gây nghiện dữ dội ở nước ta, nay có thêm LSD.

Chất gây ảo giác khi đưa vào cơ thể sẽ có tác dụng: thay đổi tâm lý (khóc, cười không kiềm chế); gây rối loạn nhận thức, thị giác, thính giác (thấy, nghe những điều không có thật). Thị giác trở nên nhạy cảm hơn đối với một số màu sắc, thấy cảnh vật méo mó; thính giác cũng khác, như khi nghe nhạc cảm thấy huyền ảo hơn. Nhận thức về thời gian và đặc biệt là không gian trở nên méo mó (như có người say chất gây ảo giác thấy mình bay như chim, trên lầu cao nhưng lại thấy mặt đất quá gần và sẵn sàng nhảy xuống). Bị “giải thể nhân cách” như hoang tưởng, cứ nghĩ mình là siêu nhân, đấng cứu thế, dẫn đến những tác hại cho cá nhân và xã hội do các phản ứng tâm thần cấp (hoang tưởng, ảo thanh, ảo thị), có thể ở trạng thái điên loạn gây các tình huống nguy hiểm (ngã từ lầu cao, tai nạn giao thông, giết người hay tự sát)… Nguy hại ghê gớm của chất gây ảo giác là làm cho người dùng mất hết lý trí, có thể gây tội ác, như vụ giết 4 bà cháu rất dã man mới đây ở Quảng Ninh mà hung thủ cho là bị phê do ảo giác của ma túy đá.

Từ “giãn đồng tử” đến “thế giới khác”

LSD nếu dùng nhiều, qua việc dán “tem giấy” vào lưỡi, gây ra triệu chứng đầu tiên là giãn đồng tử, thân nhiệt thất thường, huyết áp và nhịp tim rối loạn, có thể đổ mồ hôi như tắm, cảm thấy ớn lạnh. Cũng có thể bị mất ngủ, khô miệng, run rẩy, tâm trạng thay đổi thất thường. Người dùng LSD sẽ nhanh chóng bị kích động mạnh, ảo giác, những thứ không có thật bắt đầu xuất hiện. Đến giai đoạn cao trào, người sử dụng có cảm tưởng như mình đang ở… thế giới khác.

Giới trẻ đã lạm dụng dán “tem giấy” chỉ để tìm sự đê mê, lâng lâng trong cảm giác mà thực chất là ảo giác. Nhờ ảo giác mà các bạn trẻ cảm thấy hưng phấn, “mê man không còn suy nghĩ hoặc lo lắng gì nữa”. Nguy hại là nếu lạm dụng chất gây ảo giác lâu ngày sẽ rất dễ đi đến sử dụng thuốc gây nghiện thật sự, thậm chí là sử dụng ma túy. Bởi lẽ, khi đã quen cảm giác “phê” với ảo giác, các bạn trẻ rất dễ dàng - thậm chí như bị cưỡng chế - tìm đến thứ tạo cảm giác “phê” mạnh hơn. Các em đã quen dán “tem giấy” để “phê” thì sẽ có lúc chơi thử bồ đà, thuốc lắc, hàng đá. Đến lúc này sẽ chơi heroin, từ hút đến tiêm chích và rồi chắc chắn tình trạng nghiện tiêm chích ma túy cộng với sự nhiễm HIV/AIDS sẽ đến để gióng hồi chuông báo tử.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc trẻ lạm dụng chất gây ảo giác nhưng chủ yếu là gia đình chưa quan tâm; một số gia đình nghèo và cả gia đình khá giả, cha mẹ quá lo làm ăn nên không thường xuyên gần gũi, chăm sóc con mình.

Vì tương lai của thế hệ trẻ, các bậc cha mẹ hãy chăm sóc con tốt hơn. Các cấp chính quyền cần lưu tâm nhiều hơn đến tệ nạn hút hít, dán lưỡi những chất độc hại và có các biện pháp hữu hiệu nhằm quản lý, phòng chống loại tệ nạn đang phá hoại thế hệ tương lai của chúng ta.

PGS-TS Nguyễn Hữu Đức