Đường trở về đầy nước mắt của những người một thời ngập trong ma túy

(Dân trí) - “Cuối năm này em cưới rồi. Cuối cùng cô ấy cũng đã tin em, sau nhiều năm em vật lộn cai nghiện trong nước mắt của mẹ, của người yêu mà vẫn không thành. Giờ thì em đã có được niềm tin của mọi người, chắc chắn, em sẽ không để những giọt nước mắt của mẹ, của cô ấy rơi trở lại”.

Sống lại nhờ methadone

Gặp Nguyễn Viết Cường tại Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh Đắk Lắk khi cậu đến uống thuốc cai nghiện ma túy methadone như mọi ngày, không ai nghĩ chàng trai đối diện mình lại từng có thâm niên nghiện ma túy đến 14 năm.

Tuy nhiên hơn 1 năm trở lại đây, mỗi ngày Cường đều vượt 40km đường (từ thị xã Buôn Hồ) đến Trung tâm uống thuốc cai nghiện thay thế rồi lại về. BS Lê Đình Vinh, Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Đắk Lắk đánh giá Cường là một trong những bệnh nhân cai nghiện chăm chỉ nhất, dù nắng, mưa, bão tố chưa một ngày em bỏ thuốc. Chỉ duy nhất 1 ngày, khi phải đi thi bằng lái xe em mới không đến uống.


Chàng trai này đã từ bỏ không dùng ma túy và lên được 10kg trong hơn 1 năm điều trị cai nghiện bằng thuốc thay thế methadone. Ảnh:H.Hải

Chàng trai này đã từ bỏ không dùng ma túy và lên được 10kg trong hơn 1 năm điều trị cai nghiện bằng thuốc thay thế methadone. Ảnh:H.Hải

Cường nhớ lại, em nghiện từ năm 16 tuổi, tới giờ thì đã 15 năm kể từ lần đầu tiên dùng ma túy. Lúc đầu chỉ do tò mò vì chúng bạn rủ, cuối cùng cậu nghiện lúc nào không hay, tự thu mình lại, không giao tiếp với ai, cũng không nghĩ ma túy lại gây hậu quả kinh hoàng đến vậy.

Cường chỉ nhận ra hậu quả của nó, khi lần đầu tiên đi cai thất bại. “Thương mẹ em lắm, nước mắt mẹ rơi suốt ngày. Có nơi nào, có bài thuốc nào về cai nghiện mẹ đều lặn lội đi lấy về cho em uống. Khi quyết tâm đi cai, em cũng khóc, cũng hứa với mẹ, cuối cùng không nhớ nổi đã cai bao nhiêu lần, cứ đi cai một thời gian về là tái nghiện, lại chích dù đau đớn, dằn vặt thì thấy nước mắt mẹ rơi.

Đến khi được nghe giới thiệu về thuốc cai nghiện methadone, Cường cũng quyết tâm đi luôn.

“Mới đầu uống vô, em buồn ngủ lắm, ngủ suốt cả ngày à. Rồi ngày nào cũng phải ngồi xe bus 2 lượt vượt 40km đường đi uống cũng nản lắm, không biết có cai được không. Nhưng nghĩ đến nước mắt của mẹ, mình lại cố. Giờ đã hơn 1 năm rồi, nhờ có methadone tụi em có sức sống lại, giờ giấc khoa học. Cứ sáng dậy 6h sáng đi xe bus đến điểm uống, rồi về làm vườn tuợc, ruộng nương với mẹ. Trước em gầy lắm, vậy mà trong hơn 1 năm dùng methanol em đã lên được 10kg”, Cường nói.

Cường chia sẻ, cậu rất vui vì cai nghiện thành công, nhưng mẹ là người vui hơn cả. Mẹ rất mừng vì con trai giờ không còn chích ma túy. “Vui nhất là cuối năm nay em lập gia đình. Cuối cùng người yêu đã tin tưởng mình”, chàng trai trẻ chia sẻ, không giấu được niềm vui trong ánh mắt rạng ngời.

Cô gái Nguyễn Thị Dáng Thơ sinh năm 1985 nhỏ nhắn, ít nói ngồi lặng lẽ khi nghe bạn chia sẻ.

Thơ cho biết, em dùng ma túy từ năm 2013. Đến giờ em đã cai nghiện bằng methadone được 18 tháng và cô tự cảm nhận “cuộc sống đổi sang một trang mới”.

Thơ cho biết, lần đầu em biết chơi ma túy là từ năm 2005, nhưng không nghiện, chỉ thỉnh thoảng hút chích. Nhưng đến năm 2013 Thơ bắt đầu chơi ma túy liên tục.

“Trong hơn 3 năm nghiện ma túy, em đã trải qua mọi sự cùng cực, khổ đau, nhục nhã nhưng không thể bước qua được nó. Không chỉ hàng xóm láng giềng kỳ thị, mà ngay người nhà cũng cảnh giác với mình. Cứ về nhà là mọi người nghĩ về lấy trộm đồ. Thực sự thấy nhục nhã lắm, biết mình sai, muốn đi cai mà cai hoài không được. Có lần, em đã lấy trộm tiền của chị gái, thậm chí có lời nói xúc phạm chị. Nhưng chị đã không bỏ em. Khi biết có thuốc cai nghiện thay thế methadone, chị là người dắt mình đi uống. Thương chị lắm, hơn 1 năm rồi em không đụng vào ma túy”, Thơ nói.

Cô gái nhỏ nhắn này chia sẻ thêm, lúc đầu uống bản thân cũng không có niềm tin là sẽ cai được ma túy. Nhưng rồi sau khi uống thuốc, chích ma túy không còn có cảm giác gì nên tự bỏ.

Những tuyên truyền viên tích cực giúp người nghiện và người nhiễm HIV

Không chỉ cai nghiện cho bản thân, Cường, Thơ còn tham gia Câu lạc bộ niềm tin, trở thành những người thường xuyên tiếp xúc, động viên người nghiện đi cai; trở thành những người bạn tâm giao khi đến với những người nghiện nhiễm HIV, giúp họ quên đi mặc cảm, sống một cuộc sống tích cực hơn.

Hai bạn chia sẻ, trong lúc bị vướng vào con đường nghiện ngập, tiếp xúc người nghiện, bệnh nhân HIV thấy họ là những người đáng thương, cần có sự chia sẻ, quan tâm. Vì thế, khi biết có câu lạc bộ, cả hai đã đăng kí tham gia. CLB hiện có gần 60 người, chia các nhóm đi hoạt động.

“Nhiều bạn sợ không dám đi vì lần đầu đi uống methadone sẽ phải lấy máu xét nghiệm cả nguy cơ nhiễm HIV. Sợ “dính HIV” lại bị báo vào địa phương. Nhưng em nói với họ, đã nghiện rồi, nhiễm HIV hay không nhiễm thì cũng giống nhau vì không làm được việc gì hết. Thế nên mọi người lại có quyết tâm đi uống thuốc cai nghiện”, Cường kể.

Cường đã vận động được 10 người quanh khu vực mình sinh sống cai nghiện ma túy bằng thuốc methadone.

Theo BS Lê Đình Vinh, Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Đắk Lắk, trong tư tưởng của nhiều người, nghiện ma túy, nhiễm HIV là ngõ cụt, là dấu chấm hết cho cuộc đời.


Bệnh nhân đến Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh để uống methadone. Ảnh: Dương Ngọc.

Bệnh nhân đến Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh để uống methadone. Ảnh: Dương Ngọc.

Chính điều đó đã khiến họ càng ngày càng lún sâu vào vòng xoáy của tệ nạn, làm cho gia đình, xã hội kiệt quệ. Tuy nhiên, nếu chấp nhận điều trị cai nghiện bằng chất thay thế methadone, điều trị HIV/AIDS bằng ARV họ có thể tái hòa nhập cộng đồng và làm lại cuộc đời.

Tại Đắk Lắk, chương trình điều trị Methadone được triển khai từ tháng 12-2015. Đến nay, chương trình đã điều trị cho 302 người nghiện trên địa bàn, đạt 76,7% so với chỉ tiêu được giao; trong đó, có 249 người nghiện được duy trì điều trị (đạt 81,1%).

Bệnh nhân đến tham gia điều trị Methadone tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh có độ tuổi trẻ nhất là 19 (sinh năm 1998), lớn nhất là 61 (sinh năm 1956). Khi đến với cơ sở điều trị Methadone, các bệnh nhân đều được tư vấn, hỗ trợ bởi các nhân viên y tế và được tạo mọi điều kiện tốt nhất để điều trị hiệu quả.

"Tuy nhiên việc ngày nào cũng phải đến điểm uống thuốc, đi lại vất vả, số bệnh nhân bỏ điều trị khá cao, 16%. Những người theo đuổi điều trị đều cho kết quả tốt”, BS Vinh cho biết.

Từ giờ đến cuối năm, Trung tâm sẽ tiếp tục duy trì tốt các hoạt động tuyên truyền, phối hợp với hội lien hiệp phụ nữ và đoàn thành niên, phối hợp với địa phương mở rộng điều trị methadone cho khoảng 400 bệnh nhân; mở thêm 1 điểm ở điều trị methadone ở huyện có nhiều người nghiện cách trung tâm thành phố 90km.

Hồng Hải