"Dưỡng thai" chớ dại "cấm cung"

25 tuổi lên "xe hoa", theo "chỉ đạo" của bà mẹ chồng cũng là một quan chức tầm cỡ cấp thành phố, Ngọc Anh chuẩn bị kỹ lưỡng cho công việc "sanh quý tử".

Gần một năm sau, Ngọc Anh vẫn chưa có tin vui. Vì không thấy có triệu chứng gì đặc biệt, nên chị vẫn hoạt động, đi làm bình thường.

 

Khi có mang được gần ba tháng, Ngọc Anh thấy xuất huyết. Chị giật mình ngẫm nghĩ tới dịp "picnic" leo núi hôm Chủ nhật vừa. Bà mẹ chồng biết chuyện lập tức đưa con dâu "độc" đến bệnh viện phụ sản kiểm tra, kết quả kiểm tra siêu âm cho thấy thai đã "hỏng". Từ đó, chị cứ đinh ninh rằng do mình vận động hằng ngày quá mạnh mới nên cơ sự này.

 

Sau một năm trời điều chỉnh và điều trị, Ngọc Anh lại một lần nữa đậu thai. Lần này, rút kinh nghiệm, để "chắc ăn", bà mẹ chồng quyết định cho con dâu tạm nghỉ việc, vào viện nội trú để... dưỡng thai.

 

Sau đó là đợt điều trị ngoại trú, bà mẹ chồng và cả nhà buộc "bà bầu" Ngọc Anh phải nằm tĩnh dưỡng trên giường, nhất thiết không được cử động mạnh, kể cả không được nói to hay bực bội. Về sau, ngay cả chuyện vệ sinh cá nhân "bà bầu" phải "giải quyết " ngay trên giường. Mang bầu tới tuần thứ tám, kiểm tra siêu âm B hiển thị đập tim thai, nhưng sự phát triển của phôi thai nhỏ hơn khoảng 1 tuần so với tuần tuổi thai bình thường. Thế là cả nhà cuống lên, buộc Ngọc Anh phải tiếp tục nhập viện, nằm dưỡng thai trên giường.

 

Mang bầu tới tuần thứ 12, Ngọc Anh bỗng cảm thấy những phản ứng thai nghén biến mất, bầu vú cũng ngừng căng phồng thêm, ăn uống thấy ngon miệng hơn, lập tức siêu âm và tá hỏa khi phát hiện tim thai tắt, Ngọc Anh suy sụp hoàn toàn. Lần này "nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa" rón rén, cẩn trọng đến vậy, suốt ngày nằm trên giường dưỡng thai, mà tại sao vẫn không giữ được? 

 

Lời bình của bác sĩ

Bởi có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới sảy thai, nên phụ nữ mang bầu khi muốn dưỡng thai liệu có cần nằm tĩnh tại trên giường không, còn phải căn cứ vào tình hình cụ thể mà quyết định.

 

Khi xuất hiện các tình huống sau đây, thai phụ cần phải tránh hoạt động hoặc giảm thiểu cường độ hoạt động:

 

1. Thai phụ có dấu hiệu báo trước khả năng sảy thai như rỉ máu âm đạo, đặc biệt là rỉ máu đỏ tươi hoặc phần bụng dưới đau râm ran hay đau quặn.

 

2. Bởi dị thường về giải phẫu học tử cung ( như cơ năng cổ tử cung khiếm khuyết, tử cung dị dạng... ) dẫn tới thai nhi bị sảy thời kỳ cuối hoặc đẻ non.

 

3. Thai phụ vì các loại nguyên nhân, làm phẫu thuật thắt cổ tử cung.

 

4. Thai phụ tuy không xuất huyết âm đạo, nhưng kiểm tra siêu âm phát hiện dưới nhung mao hoặc dưới lớp màng bọc thai bị sung huyết.

 

Một thắc mắc lớn thường gặp của những gia đình hiếm muộn con cái là: Phụ nữ mang bầu khi muốn dưỡng thai liệu có cần nằm tĩnh tại trên giường?

 

Thực ra, mọi hoạt động vừa phải trong sinh hoạt hàng ngày không thể dẫn tới sảy thai.

 

Sự phát triển của phôi thai cũng giống như trồng một cái cây vậy. Gieo một hạt giống hay trồng một mầm cây xuống đất, mầm cây phải đâm ra rễ mới, thì thân cây mới nảy chồi mới, vươn cành mới, gốc cây đâm ra càng nhiều rễ, cắm xuống đất càng sâu, thì thân, cành cây càng to chắc, cho dù "gió táp mưa sa", dù có hoạt động khá mạnh cũng chẳng lo động thai, đẻ non hay trụy thai.

 

Nếu rễ cây không mọc, thì dù chẳng gió, chẳng mưa, cây vẫn đổ. Bởi vậy, nếu tế bào nhau thai sinh trưởng không tốt, thì dù có suốt ngày nằm dưỡng thai trên giường êm, gối mềm, phôi thai cũng không thể phát triển bình thường, cuối cùng dẫn tới sẩy thai. Trên lâm sàng chứng kiến có cô gái sống buông thả, dễ dãi "cả nể cho nên sự dở dang" với hy vọng tự phá thai, cô ta đã cố ý vận động thật mạnh, nhẩy cao "uỳnh uỵch", cuối cùng vẫn không sao "rũ" phôi thai ra được!

 

Có phụ nữ lo xa tới mức vừa hoài thai là bắt đầu "đại lãn" nằm ườn dưỡng thai, thậm chí nằm liên miên dài hạn, thực ra làm vậy không cần thiết, hơn thế nữa còn có hại sức khỏe toàn thân.

 

Trước hết là ảnh hưởng xấu tới chức năng tiêu hóa. Vốn sau khi mang bầu, bởi phản ứng kỳ mang thai, hoóc môn nhau thai (placenta hormone) gây ức chế đối với chức năng tiêu hóa, và tăng sự chèn ép đối với tử cung (dạ con), thai phụ thường có những triệu chứng như lợm giọng, nôn ói, chán ăn, khả năng tiêu hóa giảm thấp và táo bón...

 

Sau thời gian dài nằm ườn, các triệu chứng xấu này ngày càng thêm nghiêm trọng, đặc biệt là có một số chị em không quen đại tiểu tiện ngay nơi giường nằm, nên cố "nhịn", số lần "giải quyết" càng ít, chứng táo bón càng nghiêm trọng hơn.

 

Thứ đến, nằm tĩnh tại lâu khiến sự tuần hoàn máu toàn thân thai phụ chậm lại, sức đề kháng của cơ thể giảm thiểu, máu dễ đóng vón trong vi tuần hoàn, hình thành thêm máu, thường gặp nhất là xuất hiện nêm máu tĩnh mạch sâu chi dưới, khoang chậu, trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn tới tắc nêm phổi sau khi sinh nở, gây tử vong cho sản phụ.  

 

Cuối cùng, bởi thời gian không vận động kéo quá dài, có thể xảy ra tình trạng teo cơ chân, dẫn tới thai phụ "chân yếu tay mềm", đúng nghĩa đen tới mức "lần tường" mới bước đi được.

 

Giải quyết vấn đề từ gốc

 

Bởi chưa tìm được nguyên nhân đích thực khiến Ngọc Anh sảy thai, vấn đề gốc rễ chưa giải quyết được, thì dù có nằm dài dưỡng thai bao lâu cũng chẳng ích lợi gì.

 

Sau thời gian dài lo lắng, loay hoay tìm lối thoát, vợ chồng Ngọc Anh tới phòng khám chuyên khoa bệnh viện phụ sản tiến hành kiểm tra toàn diện. Kết quả phát hiện, hệ thống đông máu của Ngọc Anh biểu hiện trạng thái đông máu cao, tức cái gọi là "trạng thái trước nêm máu". Thế là tới năm sau khi Ngọc Anh mang thai lần thứ ba, trong quá trình dưỡng thai, bác sĩ đã tích cực áp dụng biện pháp điều trị chống đông máu.

 

Đồng thời bác sĩ còn khuyên Ngọc Anh từ bỏ tư tưởng dưỡng thai tiêu cực nằm ườn trên giường kiểu "cấm cung", hằng ngày cứ vận động bình thường, chỉ cần tránh những vận động mạnh và các công việc nặng nhọc quá sức là được. Kết quả thật tốt đẹp: Suốt 9 tháng 10 ngày Ngọc Anh sống, làm việc bình thường, khỏe mạnh, "nhảy ổ" "mẹ tròn con vuông".

 

Theo Trường Hạnh

Tri thức trẻ