Dùng vạt da bụng cứu bàn chân bỏng nặng cho bệnh nhi

(Dân trí) - Sau tai nạn bỏng do giẫm vào đống lửa, bàn chân trái của cậu bé 4 tuổi bị sẹo co rút khiến cháu chỉ đi được khập khiễng bằng gót chân. Bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật cắt sẹo lồi, dùng vạt da thành bụng tái tạo, phục hồi chức năng vận động cho bé.

Giữa năm 2015, trong lúc chơi đùa, bé Vũ Tấn B. (4 tuổi, ngụ tại Gia Lai) không may giẫm trúng đống lửa. Tai nạn xảy ra khiến cháu bị bỏng nặng ở bàn chân trái. Sự chủ quan của gia đình khi không thực hiện chăm sóc tốt vị trí tổn thương khiến bàn chân bé bị nhiễm trùng. Mặc dù, sau đó được đưa đến bệnh viện địa phương điều trị, nhưng bệnh nhi đã bị sẹo lồi, co rút không thể đi lại được bình thường.

Từ một đứa trẻ sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh, di chứng của vụ bỏng lửa khiến bàn chân trái của Tấn B. co quắp. Mỗi lần di chuyển, cháu chỉ đi khập khiễng được trên gót chân. Tấn B. phải đối mặt với nguy cơ bị dị tật suốt đời nhưng do kinh tế gia đình quá khó khăn nên cháu không có điều kiện đến bệnh viện chữa trị.

Bàn chân của bé Tấn B. bị sẹo lồi, co rút do tai nạn bỏng lửa
Bàn chân của bé Tấn B. bị sẹo lồi, co rút do tai nạn bỏng lửa

Biết thông tin cần được cứu giúp của bé Tấn B. bệnh viện Saigon – Ito đã quyết định đón cháu về chữa trị miễn phí. Tại đây, sau 2 giờ phẫu thuật, các bác sĩ đã cắt bỏ sẹo lồi, đồng thời dùng vạt da ở thành bụng, tái tạo lại hình dáng bàn chân, phục hồi vận động cho bệnh nhi.

Qua trường hợp trên, BS Nguyễn Xuân Anh, Trưởng khoa Vi phẫu, cho biết: “Trẻ em ở tuổi nhỏ rất hiếu động nhưng chưa nhận thức được nguy hiểm nên thường gặp phải những tai nạn thương tâm trong đó có tai nạn bỏng. Nguy cơ bị bỏng có thể đến từ nhiều nguồn khác nhau như nước sôi, nước canh nóng, nước trong vòi nóng lạnh, lửa bếp hoặc các đống nhóm... Da của trẻ còn non nớt nên chỉ cần tiếp xúc với nhiệt độ cao vài giây sẽ bị rộp da, nổi bóng nước.”

Để tránh nguy cơ dẫn tới tai nạn cho con trẻ, phụ huynh nên thường xuyên để mắt đến con em mình, đồng thời cần loại bỏ các yếu tố nguy cơ hoặc không cho trẻ đến gần những vật dụng có thể gây bỏng. Để kịp thời xử trí khi tai nạn xảy ra, trong tủ thuốc của mỗi gia đình nên có sẵn nước muối sinh lý, kem trị bỏng, bông gòn, gạc vô trùng, băng keo cuộn vải.

Bác sĩ đã cắt sẹo lồi, dùng vạt da bụng tái tạo bàn chân, phục hồi vận động cho bệnh nhi
Bác sĩ đã cắt sẹo lồi, dùng vạt da bụng tái tạo bàn chân, phục hồi vận động cho bệnh nhi

BS Xuân Anh khuyến cáo: “Khi trẻ bị bỏng, người nhà hãy bình tĩnh và nhanh chóng đưa bé đến ngay chậu có nhiều nước sạch hoặc vòi nước chảy nhẹ, xối rửa vị trí bị bỏng nhiều lần (không xối nước đá hoặc nước lạnh) trong khoảng 15 phút để làm cho da bớt nóng, bớt bị mất nước, giảm đau, giảm diện tích da bị tổn thương qua đó giảm độ nặng của tình trạng bỏng. Sau sơ cứu ban đầu, phụ huynh cần bôi kem trị bỏng với một lượng dày lên vùng da tổn thương, dùng gạc vô trùng hoặc miếng vải sạch đắp lên toàn bộ vết thương bỏng rồi băng lại.

Nếu vết bỏng nhẹ, diện tích da bị bỏng nhỏ, thì sau thời gian chăm sóc tại nhà, da vùng bỏng có thể tự liền. Nhưng trường hợp vết bỏng có diện tích rộng và nặng thì sau khi sơ cứu cần nhanh chóng đưa nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất để điều trị kịp thời. Nếu bố mẹ chăm sóc bé tại nhà thì mỗi ngày cần thay băng, rửa vết thương với nước muối sinh lý, bôi kem chữa bỏng. Vết thương cần được đắp gạc để giữ độ ẩm cho da. Sau 2 tuần, đa số vết bỏng rộp da, nổi bóng nước sẽ lành, ít để lại sẹo.

Các vết bỏng nặng thường để lại sẹo, nếu không được điều trị và xử trí đúng cách ngay từ đầu sẽ để lại sẹo xấu, lâu dài có thể dẫn đến nhiễm trùng. Hậu quả của bỏng nặng là các di chứng sẹo xấu, sẹo co rút các ngón tay, ngón chân hoặc các khớp, ảnh hưởng đến chức năng vận động của bệnh nhân suốt đời.

Vân Sơn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm