Đừng tự chẩn đoán bệnh kiểu “trích cú”

Anh công chức trẻ có thói quen đọc báo sáng và mục Sức khỏe được anh quan tâm nhất. Một sáng thường lệ anh giở báo ra, trên mục quen thuộc có bài về bệnh tiểu đường, nhắc đến bốn triệu chứng căn bản: “Ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều và sụt cân nhiều”…

 

Đừng tự chẩn đoán bệnh kiểu “trích cú” - 1


 

Anh công chức giật mình nhận ra mình gần đây ăn hơi nhiều và dùng toa-lét cấp tập. Cả ngày hôm đó, anh thừ người nghĩ đến viễn cảnh đen tối chẳng may mắc bệnh tiểu đường…

 

Mất thêm một tuần mặt ủ mày chau, anh bạo gan đến bệnh viện làm xét nghiệm, kết quả… đường huyết bình thường. Trút được thái sơn, rà soát lại, anh vỡ lẽ cớ sự là do phấn khởi vì sự nghiệp lên như diều gặp gió nên anh  ăn uống có phần ngon miệng và tiêu thụ quá nhiều cà phê, nước ngọt có gas (có tính lợi tiểu). Quả nhiên sau khi điều tiết lại, hai triệu chứng cũng biến mất…

 

Trên đây là một kịch bản kinh điển về “tác dụng phụ” của những thông tin y học phổ thông trên các phương tiện truyền thông. Chính xác, đó là tác dụng ngoại ý từ cách tiếp nhận thông tin “bốc câu ra khỏi ngữ cảnh” của nhiều độc giả. Giống cách mấy vị thầy bói bốc cái vòi, cái tai, cái chân rồi khái quát thành con voi. Cụ thể, anh công chức trên chỉ nhặt ra hai, trong khi cần trọn “bộ tứ” triệu chứng nhân quả đi cùng nhau của bệnh tiểu đường.

 

Hằng ngày, không khó nhận ra trên các phương tiện truyền thông những bài viết về sức khỏe có cách giật tít kiểu: “Mệt mỏi có thể là triệu chứng của suy thận”, “Đau đầu - coi chừng dị dạng mạch máu não”, “Xuất tinh sớm - cẩn thận bệnh tim mạch”… Tất nhiên không sai, đã suy thận thì tránh sao khỏi mệt mỏi, dị dạng mạch máu thì nhức đầu là đương nhiên... Vấn đề là với kiểu “gạch dưới” kiệm lời như thế rất dễ gây ấn tượng, nhập tâm với người đọc, nhất là những độc giả ít thời gian, lười đọc cả bài hay phổ biến là kiểu đọc báo, lướt web qua tít tựa hoặc chapeau (đoạn mào đầu). Với người hay lo thì chỉ với một triệu chứng mệt mỏi cũng đủ để họ tán ra hàng chục bệnh cho mình, có khi toàn nan y.

 

Có thể sau cú giật mình, vị độc giả nọ nhanh chân đến bệnh viện khám và thực hư sẽ rõ. Vấn đề là không phải ai cũng đủ dũng cảm “ba mặt một lời” với bệnh tật, thay vào đó, nhiều người sẽ chọn cách âm thầm mang sầu chuốc khổ, tinh thần hao kiệt, thể xác bệ rạc. Đơn cử, kịch bản xấu nhất là anh công chức trên chọn cách ngồi trong bóng tối, càng phiền muộn, lo lắng càng khiến anh ta… ăn nhiều và tiểu nhiều, không chỉ công việc, tiền đồ sa sút mà có thể tâm bệnh chuyển sang tiểu đường thật vì stress kéo dài.

 

Chưa nói, tâm lý sợ bệnh có thể khiến nhiều độc giả tránh né các thông tin sức khỏe, lật nhanh trang khác hay chuyển kênh, thì xem như một thói quen có lợi cho sức khỏe bị bỏ qua oan uổng.

 

Không ai phủ nhận vai trò của các thông tin y học phổ thông, nhất khi chúng mang tính cảnh báo. Rất nhiều người nhờ những cú “giật thót” sau cữ báo sáng mà kịp thay đổi hành vi, lối sống, ăn uống hay đến bệnh viện phát hiện bệnh sớm…

 

Vấn đề nên tránh đọc báo sức khỏe kiểu “trích cú”, chỉ liếc qua tít tựa, thay vào đó nên gắng đọc hết bài, nắm toàn cảnh. Đôi khi vì “đất chật người đông”, vì tính hấp dẫn, vì tính phổ thông, mà không phải bài viết sức khỏe trên báo nào cũng đủ ngọn ngành, cũng đủ rào trước đón sau...

 

 Quan trọng, nếu cảm thấy chột bụng về một triệu chứng mình đang có, tốt nhất bạn nên đặt chẩn đoán cuối cùng vào tay một bác sĩ bằng xương bằng thịt. Hãy là một độc giả thông thái, nhưng đừng thông thái đến nỗi tự chẩn bệnh chỉ qua cái tựa bài viết.

 

Theo BS Đỗ Minh Tuấn

Phụ nữ Online

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm