Đừng thay nước bằng rượu bia và các thức uống khác trong dịp Tết

Vân Sơn

(Dân trí) - Nước là chất xúc tác cho hầu hết phản ứng trong cơ thể, giúp loại bỏ các chất không cần thiết. Lạm dụng rượu bia và các thức uống khác trong ngày Tết sẽ khiến cơ thể mất cân bằng, nguy cơ sinh bệnh.

Theo BS Lê Thị Tuyết Phượng, Trưởng khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện Nhân Dân 115: "Nước đóng vai trò rất quan trọng, chiếm tới 70% trọng lượng của cơ thể. Nước là chất xúc tác cho hầu hết các phản ứng trong cơ thể; giúp đào thải các chất không cần thiết; giúp cơ thể điều hòa nhiệt độ, điều hòa nhịp thở. Riêng về tiêu hóa, nước là chất xúc tác cho quá trình hấp thu thức ăn. Con người có thể nhịn ăn cả tháng mới tử vong nhưng chỉ cần nhịn uống vài ngày sẽ tử vong".

Tùy thuộc vào từng đối tượng, độ tuổi, cân nặng… lượng nước của mỗi người sẽ có sự khác nhau. Trung bình, lượng nước tiêu thụ mỗi ngày khoảng 40 đến 50ml nước/kg trọng lượng cơ thể. Mỗi người cần cân đối việc sử dụng để đảm bảo lượng nước cần thiết cho bản thân mình phụ nữ có thể uống đủ 2 đến 2,5 lít nước, nam giới có thể uống 2,5 đến 3 lít nước mỗi ngày.

Đừng thay nước bằng rượu bia và các thức uống khác trong dịp Tết - 1

Hãy uống đủ lượng nước cơ thể cần mỗi ngày để giữ cân bằng cho hệ tiêu hóa và chuỗi phản ứng có lợi cho sức khỏe

Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu đúng về việc sử dụng nước, một số người cho rằng có thể dùng các loại nước khác như sữa, nước ép trái cây để thay cho lượng nước cơ thể cần mỗi ngày. Trước thực tế này, Bác sĩ Chuyên khoa 2 Đỗ Thị Ngọc Diệp, Phó trưởng Bộ môn Dinh dưỡng - Thực phẩm Đại học Y Dược TPHCM chia sẻ: "Nước là dung môi giúp cơ thể hấp thu dinh dưỡng, thải độc tố nên không thể thay thế hoàn toàn nước bằng các loại thức uống khác. Do đó, ngoài những thức uống khác cần đảm bảo cho cơ thể từ 60 đến 80% lượng nước tự nhiên gồm nước đun sôi để nguội hoặc nước khoáng, phần còn lại của nước có thể bổ sung qua các loại thức uống khác hoặc trái cây, rau - củ - quả".

Bên cạnh đó, nhiều người đang hiểu không đúng về việc sử dụng các loại nước ngọt. Các bác sĩ cho rằng, tuy đều là dung dịch lỏng nhưng nước ngọt, bia rượu đều không được gọi là nước. Các loại thức uống trên chỉ cung cấp năng lượng rỗng là chất bột đường cho cơ thể, không kèm theo vitamin, không có chất khoáng, không có chất xơ. Đặc biệt, nước ngọt và bia đều có ga nên tác động rất xấu đến hệ tiêu hóa. Mặt khác, cả 2 loại đều có tính axít nên đều ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe.

Đặc biệt, trong dịp Tết xu hướng sử dụng bia ở người lớn và sử dụng nước ngọt ở trẻ em sẽ tăng cao, nguy cơ mất kiểm soát. Với nhóm trẻ nhỏ, phụ huynh thường có tâm lý chiều theo ý con trong những ngày Tết nguy cơ gây quá tải cho hệ tiêu hóa.

Bia rượu là chất kích thích dẫn chuyện giúp cho không khí những ngày Tết trở nên vui vẻ, đầm ấm hơn nhưng việc sử dụng quá đà dẫn tới lạm dụng sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và gia tăng nguy cơ tai nạn, thương tích. Do đó, một người có sức khỏe bình thường nên sử dụng chút rượu bia cho tinh thần thêm hưng phấn thoải mái nhưng cần uống với lượng vừa đủ. Cụ thể mỗi người chỉ nên uống 1 lon bia trong ngày, với rượu vang có thể sử dụng 100ml, rượu mạnh chỉ nên sử dụng 40ml, một tuần chỉ nên uống khoảng 5 ngày. Nếu uống quá lượng trên sẽ gây áp lực cho hệ tiêu hóa như gan, tụy dẫn đến tình trạng viêm gan cấp, viêm tụy cấp nguy hiểm cho tính mạng.

Nhóm nước có ga là chất xúc tác giúp sảng khoái tức thì cho cơ thể nhưng không nên lạm dụng vì năng lượng rỗng sẽ gây béo phì. Mặt khác khí CO2 trong nước có ga khi vào cơ thể thải ra ngoài sẽ kéo theo nhiệt lượng làm cho người uống cảm thấy nhẹ nhàng, mát mẻ nhưng cũng khiến cơ thể mất năng lượng. Trong thành phần nước có ga, hàm lượng đường cao gây nên các bệnh chuyển hóa, đái tháo đường, tim mạch. Một số chất bảo quản, chất tạo màu trong nước có ga đều không có lợi cho sức khỏe.