Dùng globulin miễn dịch đặc hiệu zoster điều trị bệnh thủy đậu
(Dân trí) - Thủy đậu xuất hiện trở lại có thể do cộng đồng người dân chủ quan trong việc tiêm vắc xin phòng bệnh. Vì vậy các cơ sở y tế, đặc biệt là bệnh viện cần chỉ định tiêm globulin miễn dịch đặc hiệu zoster hỗ trợ điều trị cho các trường hợp này.
Bệnh thủy đậu hiện nay đã tấn công trẻ em kể cả người lớn (ảnh internet minh họa)
Loại globulin miễn dịch đặc hiệu là sản phẩm được sử dụng để giúp cho cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh riêng như vi rút cự bào cytomegalovirus, bạch hầu, viêm gan B, dại, uốn ván, thủy đậu hoặc các bệnh zoster. Globulin đặc hiệu được chiết suất từ máu của bệnh nhân bị mắc các bệnh này đã khỏi bệnh hoặc người đã được tiêm vaccine trong thời gian gần đây hay những người được phát hiện có hiệu giá kháng thể cao. Vì vậy loại globulin miễn dịch đặc hiệu có mức độ hiệu giá kháng thể đặc hiệu rất cao nên thực tế trong một số trường hợp thường được sử dụng để hỗ trợ cho việc điều trị bệnh.
Globubin miễn dịch đặc hiệu zoster được sản xuất có nồng độ 16% các phân tử gamma globulin miễn dịch của người có hiệu giá kháng thể zoster cao. Globulin này ngoài việc chỉ định sử dụng tiêm cho các trường hợp bị mắc bệnh thủy đậu, chúng còn được dùng cho các trường hợp như người bị các bệnh thiếu hụt miễn dịch tế bào như bệnh Hodgkin; bệnh nhân phải chịu một liệu trình điều trị suy giảm miễn dịch; phụ nữ mang thai có nguy cơ bị mắc bệnh thủy đậu hoặc các bệnh zoster nhưng phải thử kháng thể kháng thủy đậu trước khi dùng. Đồng thời có thể sử dụng ở trẻ em được sinh ra từ các bà mẹ có nguy cơ bị mắc bệnh thủy đậu bằng cách xét nghiệm phát hiện kháng thể của người mẹ; trẻ em bị sinh non dưới 28 tuần mang thai hoặc có trọng lượng nhỏ hơn 1.000g ở các bà mẹ có tiền sử bị mắc bệnh thủy đậu.
Một vấn đề cần quan tâm là người có nguy cơ rõ rệt hoặc người có nguy cơ cao bị mắc bệnh thủy đậu ở đây được hiểu là có sự tiếp xúc với gia đình người bệnh kéo dài trong thời gian khoảng hơn 1 giờ hay tiếp xúc trong lớp học đối với người bị bệnh thủy đậu.
Trên thức tế nên chỉ định tiêm globulin miễn dịch đặc hiệu zoster cho trẻ em nếu ghi nhận các bà mẹ sinh ra chúng bị mắc bệnh thủy đậu trong vòng 7 ngày hoặc ít ngày hơn trước và sau khi sinh vì nếu trẻ sinh ra không được tiêm globulin miễn dịch đặc hiệu zoster bảo vệ thì tỷ lệ tử vong của trẻ có thể chiếm tới 30%. Điều cần lưu ý là nên tiêm globulin miễn dịch đặc hiệu càng sớm càng tốt trong giai đoạn ủ bệnh, tốt nhất là trong vòng 96 giờ sau khi bị phơi nhiễm bệnh. Đặc điểm của globulin miễn dịch đặc hiệu zoster là có hiệu quả phòng bệnh cao nhưng chỉ có tác dụng trong một thời gian rất ngắn.
Liều lượng globulin miễn dịch đặc hiệu zoster được chỉ định tiêm là 6ml dùng cho người lớn, trẻ em từ 6 đến 12 tuổi dùng 4ml, trẻ nhỏ từ 0 đến 5 tuổi dùng 2ml. Liều dùng này có thể sử dụng lặp lại khi bị phơi nhiễm lần thứ hai. Ngoài ra, có thể tiêm globulin miễn dịch thông thường nếu không có sẵn globulin miễn dịch đặc hiệu zoster.
Globulin miễn dịch thông thường được bào chế từ huyết tương người, chúng có chứa các kháng thể chống lại các bệnh nhiễm trùng thông thường. Ống được đóng với 2ml hoặc 5ml dùng để tiêm bắp thịt có chứa 16% các phân tử IgG của huyết tương người bình thường và thiomersal 0,01% làm chất bảo quản. Globulin miễn dịch thông thường cũng được chỉ định dùng để phòng bệnh thủy đậu cho trẻ nhỏ dưới 1 tháng tuổi, trẻ em đang được điều trị bằng các thuốc làm suy giảm miễn dịch và phụ nữ có thai. Trong điều trị bệnh thủy đậu, nếu các globulin miễn dịch đặc hiệu zoster không có sẵn, phải dùng globulin miễn dịch thông thường để thay thế thì liều lượng có thể tăng lên. Liều globulin này không thường xuyên được sử dụng để phòng bệnh thủy đậu nhưng chúng có tác dụng làm nhẹ bớt bệnh thủy đậu mắc phải. Liều lượng thông thường được sử dụng từ 0,4 đến 1ml/kg trọng lượng cơ thể.
Tại các cơ sở y tế, đặc biệt là bệnh viện đang tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị mắc bệnh thủy đậu hiện nay cần xem xét để trang bị bổ sung thêm loại globulin miễn dịch đặc hiệu zoster nhằm hỗ trợ cho việc điều trị bệnh nhân thủy đậu đạt được hiệu quả tốt ngoài các phương pháp điều trị thường quy khác đã thực hiện.
TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh