1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Đừng coi thường những cơn hen

(Dân trí) - Bệnh hen chủ yếu xuất hiện ở trẻ em dưới 15 tuổi, lứa tuổi đang phát triển. Sức khoẻ người bệnh ngày càng giảm sút, bị mất ngủ dẫn đến suy nhược thần kinh, bi quan, lo lắng. Khả năng học tập, lao động sút kém, chất lượng cuộc sống bị ảnh hưởng.

Tổn thất nhỏ tới tổn thất lớn

 

Nhiều trường hợp đã bị tử vong do không được cứu chữa kịp thời hoặc tàn phế suốt đời. Đối với những gia đình có người thân mắc bệnh thường xuất hiện 2 xu hướng: hoặc là coi nhẹ, không quan tâm tới bệnh; hoặc là cho rằng bệnh này rất nan y, không thể chữa khỏi.

 

Cả 2 quan niệm trên đều khiến người bệnh không được chữa trị đúng phương pháp, đúng thuốc và dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

 

Chi phí cho bệnh là bao nhiêu?

 

Hàng năm toàn cầu phải tốn khoảng 20 tỷ USD để chữa trị bệnh này. Theo Tổ chức Y tế thế giới, chi phí y tế và xã hội cho bệnh hen suyễn còn cao hơn tổn thất cho lao và HIV/AIDS. Ở Việt Nam, trung bình một người bị hen mỗi năm phải chi phí hết khoảng 300USD, ngoài ra là các chi phí gián tiếp do việc nghỉ học, nghỉ lao động và cả những điều trị về tinh thần.

 

Tuy nhiên, theo các thống kê y tế mới nhất, hoàn toàn có thể kiểm soát hen trong cộng đồng và có thể đạt tới hơn 84% những người nghiêm túc thực hiện theo yêu cầu và hướng dẫn của bác sĩ.

 

Phác đồ 4 bậc

 

Để đảm bảo tình trạng sức khoẻ tương đối ổn định nếu không may bị hen cần thực hiện theo phác đồ điều trị 4 bậc:

 

- Thứ nhất là Corticoid, thuốc dự phòng, gọi tắt là ICS.

 

- Thứ hai là thuốc cắt cơn cường giao cảm ngắn hạn, gọi tắt là SABA. Loại thuốc cắt cơn ngắn hạn có tác dụng 4 giờ trong cơ thể và có khả năng cắt cơn sau mấy phút, nó sẽ làm giãn phế quản, giảm tiết dịch phế quản, làm loãng đờm ở đường thở và khiến không khí dễ lưu thông trong đường thở.

 

- Thứ 3 là thuốc cắt cơn cường giao cảm dài hạn, gọi tắt là LABA có tác dụng hơn 12 giờ trong cơ thể, thuốc làm giãn phế quản, giảm sản sinh các tế bào gây viêm và cả sự giải phóng các chất trung gian gây viêm.

 

- Thứ 4 là thuốc phối hợp Corticoid với thuốc cắt cơn cường giao cảm dài hạn. Đây là cách kiểm soát bệnh hen hiệu quả nhất vì kiểm soát hen nhanh hơn khi sử dụng thuốc dự phòng Corticoid với liều thấp nhất.

 

Tự lên kế hoạch kiểm soát hen

 

Nên đi khám thường xuyên, mỗi năm ít nhất 1-2 lần để được bác sĩ kiểm soát chặt chẽ kế hoạch này. Bạn sẽ được bác sĩ kiểm tra, đo chức năng phổi và thay đổi thuốc nếu cần.

 

Có thể tự biết được thuốc dự phòng hen không còn kiểm soát được bệnh và cơn hen đang nặng dần khi thấy các dấu hiệu : thức giấc về đêm hoặc gần sáng do ho hoặc khó thở; sử dụng thuốc cắt cơn nhiều hơn bình thường (hơn 3 lần/ngày); cảm thấy hoạt động thể lực khó khăn hơn; ho dai dẳng hoặc ho cò cử.

 

Lúc này bạn nhất định phải được bác sĩ thăm khám và chỉ định bắt đầu nên dùng thêm loại thuốc gì trong phác đồ điều trị.

 

Kiều Nga – Hồng Hải