Đừng chủ quan với dịch E.coli
Vốn chỉ là một vi khuẩn bình thường nhưng khi gặp điều kiện thuận lợi e.coli sẽ gây bệnh. Bốn bệnh cảnh tử vong mà E.coli có thể gây ra là tiêu chảy nặng, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng tiết niệu và viêm màng não trẻ sơ sinh.
Nhà giàu vẫn... chết
Bắt đầu từ trung tuần tháng 5, một vụ dịch nhỏ bệnh nhiễm vi khuẩn E.coli xảy ra ở Đức. Sau đó, vụ dịch cục bộ này nhanh chóng lan ra nhiều nước khác như Tây Ban Nha, Anh, Pháp, Nga... và khiến toàn thế giới chú ý.
Căn nguyên gây bệnh không phải là một vi khuẩn lạ, nó xuất hiện từ lâu rồi, lại không phải là một vi khuẩn nguy hiểm. Nhưng những gì mà nó gây ra thì đáng được gọi là vụ dịch khủng khiếp. Chỉ trong khoảng một thời gian ngắn, chưa đầy 1 tháng sau khi người ta công bố về tình trạng nhiễm E.coli, con số người nhập viện do mầm bệnh này đã nhanh chóng lên tới vài nghìn người. Người thì bị nhiễm trùng nhiễm độc thức ăn, người thì bị sốt cao, người thì bị tiêu chảy nặng và thậm chí có người tử vong.
Điều đáng nói ở đây là ngay cả những quốc gia phát triển nổi tiếng về vệ sinh và an toàn thực phẩm như Đức, Anh và các quốc gia “nhà giàu” khác ở châu Âu thì tử vong do nhiễm E.coli vẫn xảy ra. Theo một báo cáo chính thức của cơ quan y tế Đức cho biết, số người chết không dừng lại ở vài người, mười mấy người như lúc đầu người ta dự đoán mà đến 13/6, chính thức có 35 người chết do vi khuẩn E.coli. Thêm vào đó, người ta còn khẳng định, dù là trong điều kiện chăm sóc y tế tốt nhưng hiện vẫn có tới 100 nạn nhân khác đang trong tình trạng nguy kịch vì suy thận nặng và chưa biết sống chết thế nào. Rõ ràng dù không mới, nhưng E.coli đang trở thành một mối nguy hiểm
E.coli là vi khuẩn gì?
Tên đầy đủ của vi khuẩn E.coli là Escherichia coli, vốn là một vi khuẩn hết sức bình thường trong hệ tiêu hoá, nó định cư trong phần đại tràng mà chúng ta quen gọi là ruột già. Vi khuẩn này là một vi khuẩn hình gậy thẳng, không gây hại và tồn tại hầu như ở tất cả mọi người từ lớn tới bé. Điều này có nghĩa là không phải cứ có vi khuẩn là nhiễm bệnh.
Vi khuẩn E.coli chỉ gây ra bệnh tật khi chúng ta không có sức đề kháng đủ khoẻ hay khi chúng ta có một tổn thương cụ thể nào đó ở trong lòng hệ tiêu hoá và tiết niệu. Chẳng hạn như viêm loét đại tràng, lỵ amip, viêm loét dạ dày, sử dụng thuốc dạ dày kéo dài, hoại tử ruột, sỏi thận, chấn thương thận, phẫu thuật thận - tiết niệu… Lúc đó vi khuẩn sẽ “vượng” lên một cách tương đối so với cơ thể và xâm nhập vào máu gây bệnh. Bốn bệnh cảnh nặng nhất mà E.coli có thể gây ra là tiêu chảy nặng, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng tiết niệu và viêm màng não trẻ sơ sinh. Cả bốn tình huống này đều có thể gây ra tử vong cho nạn nhân, bác sỹ Phúc cho biết.
Đứng về phương diện dịch tễ học, vi khuẩn E.coli hiện nay đang là thủ phạm gây ra vụ dịch lớn nhất liên quan đến vi khuẩn này ở châu Âu trong vài năm lại đây. Tính đến trung tuần tháng 6 có khoảng 3.256 người nhiễm bệnh phải nhập viện, khoảng 812 người bị nhiễm trùng tiêu hoá nặng, 100 người đang trong giai đoạn nguy kịch và có tới 35 người đã chết. Mặc dù đã cố gắng nhưng người ta đang lo ngại là những con số này sẽ tiếp tục tăng lên.
Theo suy đoán ban đầu, người ta đổ lỗi cho thảm kịch này là do ăn phải dưa chuột nhiễm E.coli, ăn phải cà chua rồi bơ, hoa quả bị nhiễm vi khuẩn này. Nhưng những thông tin gần đây nhất cho biết, có lẽ vi khuẩn xuất hiện từ giá đỗ. Người ta đã xác định được một nông trang tại Đức là thủ phạm chứa E.coli lây nhiễm mặc dù chưa rõ cơ chế là làm cách nào mà vi khuẩn này lại “chui” được vào trong đó. Về khả năng đề kháng, vi khuẩn E.coli có sức đề kháng kém, nó không thể sống được ở nhiệt độ cao như nước sôi chẳng hạn, cũng không tồn tại được trong nhiệt độ quá thấp như nước đá. Nhưng trong điều kiện thông thường nó có thể tồn tại tương đối lâu, có khi tới vài tuần từ vài tháng và có đủ khả năng gây bệnh.
Đừng chủ quan
Điều nguy hại thứ nhất ở đây là chúng ta hay chủ quan với loài vi khuẩn gây bệnh này vì nó vốn là một vi khuẩn “lành tính” trong điều kiện bình thường nên người ta ít khi đặt vấn đề dự phòng nó như một mầm bệnh nguy hiểm. Thế nên vi khuẩn dễ có cơ hội gây bệnh. Nguy hại thứ hai là vi khuẩn có thể tồn tại ngoài môi trường tương đối lâu nên nó có thể lây nhiễm và gây bệnh. Nó có thể nhiễm vào thực phẩm, nó có thể nhiễm vào nguồn nước, đất và gây bệnh cho chúng ta.
Vì thế, đứng trước vụ dịch E.coli hiện nay, các bác sỹ khuyến cáo không nên chủ quan với mầm bệnh này. Nên thực hiện một số biện pháp dự phòng có ý nghĩa: không để thực phẩm sống gần thực phẩm chín, vì sẽ tạo cơ hội cho vi khuẩn lây nhiễm vào thực phẩm đã được đun nấu kỹ. Trước khi ăn uống, hãy nấu chín thực phẩm, hạn chế ăn đồ tái vì E.coli có thể sống được trong nhiệt độ lên đến 50oC mà không hề hấn gì tới khả năng gây bệnh. Tất nhiên là không ăn rau sống không được vệ sinh, khộng ăn uống ngoài hè phố.
Tiếp theo, cần phải rửa sạch tay trước khi ăn, đừng nên nghĩ là chỉ ở trong nhà thì không có E.coli vì vi khuẩn này hoàn toàn có thể “dính” vào bạn khi bạn đi vệ sinh. Câu chuyện phòng E.coli còn cần thiết hơn với những người đi du lịch vì đây là đối tượng dễ bị nhiễm E.coli nhất. Đừng nên nghĩ rằng đặt phòng ở khách sạn xịn thì không có E.coli. Điều này là không đúng, khách sạn đắt tiền nhưng thực phẩm không vệ sinh, bạn lại thích dùng thực phẩm ngoài phố, thích sử dụng đồ tái sống, chủ quan chuyện rửa tay trước khi ăn thì không một khách sạn nào đảm bảo bạn không bị bệnh.
Khi bạn bị sốt cao, đau bụng, nôn 1-2 ngày sau khi ăn thực phẩm tại những vùng vệ sinh kém thì cần nghĩ đến chuyện nhiễm E.coli và cần đi khám sớm. Mọi trường hợp đến bệnh viện muộn đều có khả năng nguy hiểm đến tính mạng.
Theo Hoàng Hằng
Sức khỏe & An toàn thực phẩm