Dưa hấu giải khát và chữa bệnh

Theo Đông y, dưa hấu vị ngọt, tính hàn, vào các kinh vị, tâm, bàng quang, có công năng thanh nhiệt, giải nóng, trừ phiền, chỉ khát, lợi tiểu, sinh tân dịch. Dưa hấu có hiệu quả cho mọi chứng bệnh có tính ôn nhiệt.

Vỏ dưa hấu (gọi là tây qua bì, lớp xanh ngoài cùng) có vị ngọt, tính bình, vào hai kinh tỳ và thận; công dụng chữa bệnh tương tự phần ruột, có thể thái mỏng phơi khô hoặc tán bột để dùng dần.

 

Một số cách dùng dưa hấu chữa bệnh:

 

Nước giải khát mùa hè: Nước dưa hấu tươi phòng chữa được tất cả các chứng có hỏa - nhiệt - thấp như sốt cao, khát nước, miệng khô đắng, chán ăn, táo bón, tiểu đỏ sẻn. Nếu bị cảm nắng (trúng thử) và các triệu chứng đó nặng hơn gây chóng mặt, buồn nôn, tiêu chảy (do thấp nhiệt), vẫn cho uống nước dưa hấu và dùng đạm đậu sị 2 g, hương nhu 8 g, sắc uống.

 

Cháo mùa hè: Dưa hấu 1 kg, cát cánh 25 g (thái nhỏ), đường phèn 100 g, gạo tẻ 100 g. Nấu cháo ăn. Hoặc vỏ dưa hấu và lạc mỗi thứ 2 lạng, mạch nha 1 lạng, ý dĩ 1 lạng; nấu thành cháo đặc, có thể ăn liền một tuần khi nóng bức, mệt mỏi, chán ăn.

 

Thức ăn tráng miệng mùa hè: Có tác dụng tốt sau khi uống rượu và ăn các thức ăn sinh nhiều nhiệt như thịt dê, thịt chó…

 

Chữa rôm sảy cho trẻ em: Dưa hấu 1 quả ngâm nước lạnh, sau 1 giờ giã nát vỏ để xoa, tắm cho trẻ (có người nói ăn nhiều dưa hấu gây rôm sảy vì nhiều đường sinh nhiệt).

 

Lở loét miệng lưỡi: Ngậm nước dưa hấu. Hoặc nấu vỏ dưa hấu với sinh địa, trúc diệp, kim ngân hoa lấy nước uống.

 

Trẻ em cảm sốt: Vỏ dưa hấu 1 kg, chè xanh 10 g, bạc hà 15 g. Nấu nước uống; hoặc dưa hấu 1.500 g, cà chua 250 g (bỏ vỏ, hạt), vắt lấy nước uống.

 

Say rượu: Uống nhiều nước dưa hấu.

 

Huyết áp cao: Vỏ dưa hấu 30 g phơi gió cho khô, hạt thảo quyết minh 15 g. Nấu nước uống thay trà.

 

Đái tháo đường: Vỏ dưa hấu, vỏ bí đỏ mỗi thứ 15 g; thiên hoa phấn 12 g, sắc kỹ uống hằng ngày.

 

Trẻ sốt cao do viêm não: Dưa hấu một quả lấy ruột (bỏ hạt), ép lấy nước uống thường xuyên thay nước thường. Nước dưa hấu chữa sốt cao rất hiệu quả nên người xưa gọi dưa hấu là “thang bạch hổ trời cho” (bạch hổ thang là cổ phương chữa sốt cao có thạch cao màu trắng).

 

Phụ nữ có thai và người cao tuổi bí tiểu: Nhân hạt dưa hấu 15 g, giã nát trộn với 15 g đường, nấu nước uống ngày một lần.

 

Chấn thương phần mềm: Vỏ dưa hấu phơi khô âm can (phơi trong mát), tán bột uống với ít rượu hoặc nước nóng.

 

Viêm thận mãn, viêm cầu thận cấp, viêm bàng quang gây tiểu ít, tiểu gắt, tiểu buốt, tiểu đục, gây phù thũng: Cả quả dưa hấu thái nhỏ nấu với nước rồi cô đặc thành cao. Ngày uống 1-2 thìa to. Hoặc dưa hấu một quả 250 g cắt nắp đầu, khoét ít ruột rồi cho vào 2 củ tỏi lớn (giã nhuyễn); đậy nắp, lấy đất sét trộn giấy bản trát kín, chưng cách thủy cho nhừ, vắt nước cô cao; uống ngày 2 lần, mỗi lần 1-2 thìa to.

 

Viêm gan có phù trướng bụng: Dùng như cách chữa bệnh thận đã nói trên.

 

Viêm gan vàng da (do thấp nhiệt ở gan): Ngoài nước dưa hấu nấu uống thêm sa tiền tử, thông thảo. Phối hợp thuốc đặc hiệu.

 

Viêm túi mật: Ăn dưa hấu cả hạt.

 

Kiết lỵ: Hạt dưa hấu rang vàng, tán bột uống.

 

Quáng gà: Vỏ dưa hấu 60 g, râu ngô 30 g, nhân hạt táo chua 20 g. Sắc kỹ, ngày uống 2 lần.

 

Ung thư bàng quang, tiểu không thông gây phù thũng: Dưa hấu 1 quả, nho khô 1 bát. Quả dưa cắt ngang đầu, khoét một ít ruột cho nho vào, đậy nắp lại, găm tăm, trộn bùn với giấy bản cho nhuyễn trát kín vết cắt. Để chỗ mát 10 ngày, mở nắp lấy nước ở trong để uống.

 

Đan độc, chân bị sưng đỏ, đau, sốt: Lấy vỏ dưa hấu thái nhuyễn xoa đắp lên chỗ sưng đau.

 

Chú ý:

 

- Do dưa hấu tính hàn nên phải kiêng với những trường hợp tạng hàn (dễ sôi bụng đi ngoài do tỳ vị hư hàn), các bệnh thuộc hàn (như tiêu chảy do hàn, không do thấp nhiệt).

 

- Theo kinh nghiệm thực tế, một số bệnh nhân đái tháo đường do có đường huyết rất nhạy nên cũng phải kiêng dưa hấu.

 

- Không nên để dưa hấu đã cắt trong tủ lạnh, vì dưa hấu bản chất nhiều nước nên sẽ bị đông lại; khi ăn có thể gây viêm họng lợi, buốt răng và rối loạn tiêu hóa.

 

Theo Sức Khỏe & Đời Sống