Dự phòng loãng xương ở bệnh nhân ung thư vú giai đoạn sớm

Phụ nữ bị ung thư vú thì nguy cơ loãng xương tăng do các liệu pháp điều trị . Vì vậy, dự phòng và phát hiện sớm loãng xương ở bệnh nhân ung thư vú là rất quan trọng.

 

Có khoảng 45% phụ nữ trên 50 tuổi bị thiếu xương và loãng xương theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Loãng xương làm tăng nguy cơ gãy xương, gây giảm chất lượng cuộc sống, tàn phế cũng như tử vong. Theo nghiên cứu, có 24% phụ nữ trên 50 tuổi bị gãy xương đùi tử vong trong năm đầu tiên.

Ung thư vú là loại ung thư phổ biến và đa số được điều trị khỏi. Ung thư vú giai đoạn sớm có thể tăng nguy cơ loãng xương do các liệu pháp điều trị như hóa chất làm mất kinh, cắt buồng trứng bằng thuốc, xạ trị, phẫu thuật hay điều trị bằng thuốc ức chế aromatase. Vì vậy, việc dự phòng và điều trị loãng xương ở nhóm bệnh nhân này là rất quan trọng.

Theo hướng dẫn của Hiệp hội Ung thư lâm sàng Hoa Kỳ (ASCO), các bệnh nhân ung thư vú có nguy cơ loãng xương cao bao gồm: Phụ nữ trên 65 tuổi; Phụ nữ dưới 45 tuổi bị mãn kinh do điều trị; Bệnh nhân ung thư vú điều trị bằng thuốc ức chế aromatase...

Để sàng lọc loãng xương, ASCO khuyến cáo đo mật độ xương mỗi 2 năm, trừ khi yêu cầu cần thường xuyên hơn dựa vào mật độ xương ban đầu và mất xương dự kiến. Tuy nhiên, không nên đo dày hơn mỗi năm.

Theo WHO, loãng xương được định nghĩa dựa trên mật độ chất khoáng của xương (Bone Mineral Density - BMD) theo chỉ số T-Score. T-Score của một cơ thể là chỉ số mật độ xương của cơ thể đó so với mật độ xương của nhóm người trẻ tuổi làm chứng.

Xương bình thường: T- score ≥ - 1, tức là lượng chất khoáng xương (BMD) của người được đo bằng và trên – 1 độ lệch chuẩn (-1SD) so với giá trị trung bình của người trưởng thành độ tuổi 20 – 35 tuổi trong cộng đồng;  Thiếu xương (Osteopenia): - 1 > T- score > - 2,5;  Loãng xương (Osteoporosis): T - score ≤ - 2,5; Loãng xương nặng: T-score ≤ -2,5SD và bệnh nhân có tiền sử hoặc hiện tại có một hay nhiều vị trí gãy xương.

Để dự phòng loãng xương tất cả phụ nữ nên đạt được lượng canxi (1.000 - 1.200mg/ngày) và vitamin D (800 - 1.000UI/ngày). Tốt nhất là thông qua ăn uống. Nếu không đủ cần bô sung bằng thuốc; Tích cực tập thể dục với các bài tập giữ thăng bằng, kéo dãn, bài tập rèn luyện sức bền với cường độ tăng dần. Các bài tập phải điều chỉnh theo nhu cầu và khả năng của từng bệnh nhân; Dừng hút thuốc lá và hạn chế rượu.

Điều trị loãng xương: Thuốc được ASCO khuyến cáo: Biphosphat uống, Biphosphat truyền tĩnh mạch hay tiêm dưới da theo chỉ định của bác sĩ. Biphosphonat uống: Alendronate, risedronate. Ví dụ: Alendronate (Fosamax 70mg), uống 1 tuần 1 viên, trước ăn 30 phút, ko nằm sau uống 30p, uống với nhiều nước, không nhai…;  Acid Zoledronic(Zometa) truyền mỗi 6  tháng.

BS Trịnh Thế Cường 

Theo Khoa học & Đời sống

Dòng sự kiện: Dự phòng ung thư

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm