Dự phòng băng huyết sau sinh để bảo vệ sức khỏe thai phụ
(Dân trí) - Theo bác sĩ Võ Triệu Đạt - Phó trưởng Khoa Sản Phụ khoa Bệnh viện FV, nhận biết yếu tố nguy cơ băng huyết sau sinh trong quá trình mang thai và dự phòng băng huyết sau sinh trong giai đoạn sinh nở là cần thiết để đảm bảo vượt cạn thành công.
Băng huyết sau sinh là biến chứng sản khoa thường gặp, có thể đe dọa tính mạng sản phụ.
Chạy đua với tử thần cứu sản phụ băng huyết sau sinh
Thai phụ Q. (36 tuổi, TPHCM) mang thai lần 3, có dấu hiệu sinh được gia đình đưa vào Bệnh viện FV. Qua thăm khám, bác sĩ nhận thấy thai phụ có dấu hiệu gò tử cung cường tính và suy thai, nên bác sĩ chỉ định mổ lấy thai.
Thạc sĩ, bác sĩ Võ Triệu Đạt - Phó trưởng Khoa Sản Phụ khoa Bệnh viện FV cho biết, quá trình phẫu thuật lấy thai suôn sẻ, bé gái chào đời khỏe mạnh, khóc to, sinh hiệu ổn định. Tuy nhiên ngay sau khi bong nhau, tình trạng của sản phụ đột nhiên chuyển biến xấu, chảy máu không kiểm soát được, có dấu hiệu tăng nhịp tim, huyết áp tụt, tử cung không co hồi.
"Với kinh nghiệm trong ngành, chúng tôi nghĩ ngay đến triệu chứng đờ tử cung, một biến chứng sản khoa cực kỳ nguy hiểm. Đây là hiện tượng tử cung sau sinh trở nên mềm nhão, mất trương lực, không thể co bóp chặt, khiến các mạch máu ở vùng bánh nhau bám vào tử cung không được siết chặt sau khi bong nhau, gây ra tình trạng chảy máu tự do dẫn đến mất máu nhiều, hay còn gọi là băng huyết. Nếu không can thiệp kịp thời, sản phụ có thể tử vong do sốc mất máu", bác sĩ Đạt kể lại.
Lúc này, toàn bộ ekip chạy đua với thời gian để cầm máu cho sản phụ và tiến hành phẫu thuật may thắt động mạch tử cung, may ép tử cung và chèn bóng lòng tử cung; đồng thời huy động lực lượng nhân sự từ nhân viên y tế phòng mổ, gây mê hồi sức, phòng lab, chuẩn bị truyền máu cho sản phụ. Mọi công tác cấp cứu diễn ra kịp thời, chính xác.
"Trong đa số trường hợp, nếu thắt động mạch tử cung và may mũi B-Lynch (may ép tử cung) mà vẫn không cầm được máu thì phương án cuối cùng thường phải cắt tử cung để không nguy hiểm tới tính mạng; nhưng như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm, sinh lý của những sản phụ còn trẻ tuổi", bác sĩ Đạt chia sẻ.
May mắn, ê-kíp đã cầm máu được cho sản phụ, giữ lại được tử cung. Bệnh nhân được truyền 8 đơn vị máu và huyết tương, qua cơn nguy kịch và xuất viện sau 7 ngày.
Băng huyết sau sinh: Tai biến sản khoa nguy hiểm
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có hàng chục triệu phụ nữ trên toàn thế giới bị băng huyết sau sinh. Đây là tai biến thường gặp nhất trong 5 tai biến sản khoa, bên cạnh tiền sản giật, nhiễm trùng hậu sản, tắc mạch ối, vỡ tử cung. Băng huyết sau sinh là tình trạng chảy máu nặng được xác định khi sản phụ xảy ra mất máu bất thường hơn 1.000ml máu sau sinh trong vòng 24h, hoặc từ 24h trở lên.
Những phụ nữ có nguy cơ băng huyết sau sinh là trường hợp thai già tháng; giai đoạn thứ hai của quá trình chuyển dạ không tiến triển, tình trạng dinh dưỡng của mẹ kém, tuổi mang thai dưới 20 hoặc ngoài 35 tuổi; sản giật và các rối loạn liên quan; chuyển dạ kéo dài; sót nhau…
Theo bác sĩ Võ Triệu Đạt, có nhiều nguyên nhân dẫn đến băng huyết sau sinh, trong đó nguyên nhân chính là do đờ tử cung (tử cung không co bóp) giống như trường hợp của sản phụ Q. kể trên, chiếm 70-80%. Nguyên nhân gây đờ tử cung có thể do quá trình sinh kéo dài khiến tử cung co bóp nhiều, đến khi sinh sẽ dẫn đến tình trạng yếu đi, không còn khả năng co bóp. Hoặc trong trường hợp sinh đôi, sinh 3 khiến tử cung co bóp nhiều. Nếu sinh mổ thì có thể do thuốc gây mê khiến tử cung dễ đờ hơn; hoặc ở các bệnh lý do tổn thương đường sinh dục (rách âm đạo…). Ngoài ra còn một số nguyên nhân như bệnh lý rối loạn đông máu, sót nhau, nhiễm trùng tử cung, nội mạc…
Làm thế nào để hạn chế nguy cơ băng huyết sau sinh?
Tất cả các ca sinh đều tiềm ẩn rủi ro nên không được phép chủ quan, cho dù đó là những ca hết sức bình thường, nguy cơ thấp vì băng huyết sau sinh là biến chứng có thể xảy ra bất ngờ, tiềm ẩn. "Chỉ trong vòng 1 phút người mẹ có thể mất 500-600ml máu, nếu không xử trí kịp thì rất nguy hiểm tính mạng", BS Võ Triệu Đạt cho biết.
Cũng theo bác sĩ Đạt, dự phòng băng huyết sau sinh là lựa chọn tốt nhất để bảo vệ sức khỏe cho sản phụ. Các biện pháp dự phòng gồm quản lý tốt thai kỳ, phát hiện thai kỳ có nguy cơ cao, đỡ sinh đúng kỹ thuật, không để chuyển dạ kéo dài, theo dõi hậu sản trong 6 giờ đầu tiên, đặc biệt là trong 2 giờ sau sinh. Thai phụ cần chọn cơ sở uy tín có trang thiết bị hiện đại, có đơn vị hồi sức và sản khoa mạnh, có ngân hàng máu sẵn sàng để đảm bảo an toàn trong quá trình theo dõi thai kỳ và sinh nở.
Hiện nay, Bệnh viện FV có gần như tất cả các chuyên khoa để hỗ trợ nhau, với ekip chuyên môn tay nghề cao, giàu kinh nghiệm, sẵn sàng phối hợp để xử lý biến chứng. Bên cạnh đó, tại đây có đầy đủ các loại thuốc giúp kiểm soát máu, co hồi tử cung trong các trường hợp xảy ra băng huyết sau sinh, khả năng cứu được sản phụ sẽ rất cao.
Ngoài ra, Bệnh viện FV luôn sẵn sàng các tình huống dự phòng bằng nhiều biện pháp khác nhau như dùng thuốc nội khoa, một số thủ thuật như chèn bóng, các biện pháp ngoại khoa, may thắt động mạch, may ép tử cung… Song song với đó là phòng lab tại FV luôn sẵn sàng để truyền máu tích cực với ngân hàng máu có sẵn. Các sản phụ khi lựa chọn sinh tại FV có thể yên tâm vì bệnh viện có đầy đủ các chuyên khoa để hỗ trợ khi xảy ra biến chứng sản khoa, cũng như được các bác sĩ chuyên môn cao tư vấn kỹ càng trong việc theo dõi thai kỳ để hạn chế thấp nhất tình huống xảy ra băng huyết sau sinh.
Để đặt lịch thăm khám và theo dõi Khoa Sản Phụ khoa và Trung tâm điều trị bệnh lý tuyến vú - Bệnh viện FV, bạn đọc có thể liên hệ qua số điện thoại: (028) 54 11 33 33 - máy nhánh 6000.