1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

“Dụ” bé đi khám bệnh

(Dân trí) - Đi bệnh viện luôn là nỗi sợ hãi với hầu hết tất cả các trẻ nhỏ. Theo các bác sĩ Nhi khoa, ngoài việc đưa bé đi khám bệnh kịp thời thì khi các ông bố bà mẹ biết cách giúp bé bớt căng thẳng, giải toả được nỗi lo âu, sợ hãi là đã hợp tác tích cực với bệnh viện để góp phần chữa trị bệnh hiệu quả hơn.

Không lấy bệnh viện để doạ nạt bé

 

- Rất nhiều ông bố bà mẹ thấy con hư, không chịu ăn, không chịu đến lớp mẫu giáo đã doạ: “Ăn ngay không thì mẹ bảo bác sĩ tiêm đấy!”, hoặc: “Không đi học thì cho đi bệnh viện bây giờ!” Lâu dần, “bệnh viện, bác sĩ, tiêm thuốc” trở thành những ấn tượng “khiếp hãi” với bé. Và như vậy khi ốm đau phải đến bệnh viện, hay thậm chí chỉ là đi tiêm chủng, bé cũng hoảng hốt, lo sợ, quấy khóc khiến việc khám bệnh khó khăn hơn.

 

- Bình thường có thể cùng chơi trò bác sĩ khám bệnh, để bé làm bác sĩ khám, tiêm cho búp bê hoặc khám khi bố mẹ vờ ốm mệt, khám xong lại khoẻ mạnh, vui vẻ ngay... Bé sẽ thích thú và thấy việc khám bệnh là cần thiết, có ích khi bị ốm.

 

Giải toả tinh thần

 

Đi khám, nhất là nằm viện khiến cho mọi sinh hoạt thông thường của bé bị xáo trộn. Bé cũng sẽ không được sống cùng tất cả các thành viên trong gia đình như khi ở nhà do mọi người đều chỉ có thể thay phiên nhau vào chăm sóc bé. Lúc này, càng có nhiều vật dụng gần gũi, ăn các món quen thuộc và có những người thân thiết ở xung quanh càng giúp bé an tâm, bớt căng thẳng, có tâm trạng tốt để chữa bệnh.

 

- Luôn an ủi, động viên, giúp bé hiểu rằng: các bác sĩ cũng rất yêu thương và đang tìm mọi cách để bé không bị ốm đau nữa.

 

- Mang theo đồ vệ sinh cá nhân bé vẫn dùng ở nhà như khăn mặt, ca súc miệng, bàn chải đánh răng, lược; một vài thứ đồ chơi yêu thích.

 

- Mặc cho bé những quần áo thoáng rộng, vải bông. Khi bị vấy bẩn phải thay ngay tránh lưu lại những mùi khó chịu.

 

- Dù rất lo lắng vì tình trạng bệnh tật của bé, nhưng trước mặt bé, bố mẹ, người thân phải luôn cố gắng bình tĩnh, nếu được thì vui vẻ, âu yếm bé như bình thường.

 

Làm được những điều đó sẽ giúp bé có cảm giác gần như ở nhà và việc thăm khám, chữa bệnh của bác sĩ sẽ thuận lợi hơn. Tinh thần thoải mái cũng giúp bệnh của bé sớm thuyên giảm.

 

Tuỳ bệnh tật mà lưu ý đến chế độ ăn uống

 

- Nếu bị sốt cao, cho bé ăn nhiều loại hoa quả như cam, quýt, táo, lê, dưa hấu. Bé có thể mệt đến mức không muốn nhai nuốt thì phải vắt nước quả cho bé uống để tăng đề kháng và chống háo nước.

 

- Nếu bị bệnh đường hô hấp, họng, phế quản, phổi, nên cho bé ăn thức ăn lỏng, mềm, giàu dưỡng chất.

 

- Những thức ăn quá giàu đạm, khó tiêu hay chuối tiêu, bánh ngọt, nước ngọt có ga là hoàn toàn nên tránh khi bé bị bệnh đường ruột, kiết lỵ.

 

- Nếu bị đái đường, không cho bé ăn các loại thực phẩm, hoa quả nhiều chất đường, chất béo.

 

Với những bệnh cụ thể khác, làm theo yêu cầu của bác sĩ trong việc lựa chọn thức ăn cho bé thế nào là rất quan trọng. Vì ngoài thức ăn bạn chuẩn bị cho bé còn có rất nhiều đồ ăn do mọi người đến thăm mang tới. Và phải cố gắng chọn được trong những thực phẩm được phép, loại nào bé vẫn thường ăn. Như vậy sẽ giúp bé ăn uống dễ dàng hơn, đảm bảo cân đối dinh dưỡng, đủ sức chống chọi với bệnh tật.

 

Kiều Nga - Lan Hương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm