1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Dự báo bệnh trẻ em tháng 6 năm 2009

(Dân trí) - Nhằm giúp phụ huynh hiểu rõ hơn về tình hình bệnh trẻ em trong tháng 6, chúng tôi đã trao đổi với Tiến sĩ bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1:

Xin bác sĩ cho biết những nhận định của mình về tình hình bệnh trẻ em trong tháng 6?

 

Nhiều khả năng số lượt bệnh nhân đến khám sẽ tăng hơn bình thường do những lý do sau đây: Tháng 6 là thời điểm các cháu học sinh được nghỉ hè nên được gia đình cho đi khám sức khỏe tổng quát hoặc chữa những bệnh như mổ cắt amidan, nạo VA, cắt da qui đầu và các phẫu thuật nhỏ khác mà trong niên học không tiện thực hiện. Mặt khác, bệnh tay chân miệng tuy thấp hơn cùng kỳ năm 2008 nhưng vẫn còn ở mức cao cùng lúc với bệnh sốt xuất huyết đang bước vào những tháng cao điểm.

 

Bác sĩ có lưu ý gì đến với các bậc phụ huynh trong dịp hè ?

 

Mỗi năm cứ vào dịp hè là bệnh viện chúng tôi nhận không ít trường hợp tai nạn sinh hoạt liên quan đến học sinh như ong đốt, rắn cắn, ngạt nước. Có trường hợp bệnh rất nặng phải nằm bệnh viện lâu dài, thậm chí để lại di chứng hoặc tử vong.

 

Ong đốt thường xảy ra trong hai trường hợp sau đây: (1) Do các em nghịch phá tổ ong: dùng cây chọc phá hoặc ném đá vào tổ ong; (2) Vô tình chạm phải tổ ong khi trèo cây hái trái. Các em thường bị rắn cắn khi đi săn chuột hoặc bắt dế. Ngạt nước thường xảy ra trong các hoàn cảnh như trợt chân té ngã khi chèo thuyền, tụ tập thành nhóm tắm sông, tắm suối. Vì vậy, ngoài việc cần phải để mắt đến các em nhiều hơn trong dịp hè, các bậc phụ huynh và thầy cô giáo cần biết một số kỹ năng sơ cứu ban đầu các tai nạn này khi đưa các em đi chơi xa, cắm trại, picnic.

 

Phân tích tình hình bệnh trẻ em tháng 5 năm 2009 tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho thấy, các bệnh quai bị, trái rạ đã giảm, bệnh tiêu chảy cấp, tiêu đàm máu, viêm phổi và viêm tiểu phế quản không tăng trong khi đó hai bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng đang ở mức cao.

Bác sĩ có thể giới thiệu một vài kỹ năng sơ cứu trong các tình huống trên?

 

Khi bị ong đốt, đặc biệt là ong vò vẽ cần nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi hiện trường và chuyển đến cơ sở y tế gần nhất.

 

Khi bị rắn cắn, những điều sau đây nên làm: (1) Trấn an bệnh nhân, (2) Bất động chi bị cắn và để thấp hơn tim để làm chậm hấp thu độc tố, (3) Rữa sạch vết thương và chuyển ngay đến bệnh viện. Tuyệt đối không được rạch, hút máu vết thương

 

Để sơ cứu nạn nhân bị ngạt nước, cần thực hiện các bước sau đây:

- Gọi người giúp đỡ.

- Đặt nạn nhân nằm trên mặt phẳng cứng.

- Ngưỡng đầu, nâng cằm.

- Hà hơi thổi ngạt và ấn tim: ấn tim 5 lần thổi ngạt 1 lần nếu có hai người sơ cứu, ấn tim 15 lần thổi ngạt 1 lần nếu chỉ có một người sơ cứu.

- Chuyển nạn nhân đi bệnh viện và vẫn tiếp tục ấn tim, thổi ngạt trên đường đi

 

Lưu ý không nên xốc nước vì làm chậm thời gian sơ cứu nạn nhân

 

BS Thanh Nhàn

Bệnh viện Nhi đồng 1

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm