Đốt rung nhĩ bằng sóng cao tần, giúp cụ bà 79 tuổi thoát nguy kịch

Trường Thịnh

(Dân trí) - Bà Trần Thị Hồ (79 tuổi, TPHCM) vào Bệnh viện FV trong tình trạng khó thở, đánh trống ngực, tim đập nhanh. Được chẩn đoán rung nhĩ, các bác sĩ FV đã thực hiện đốt rung nhĩ bằng sóng cao tần, trả lại nhịp tim bình thường cho bà.

Điều trị rung nhĩ bằng sóng cao tần

Cụ bà xuất viện khỏe mạnh sau 1 ngày cắt đốt rung nhĩ

Bác sĩ Hoàng Quang Minh, khoa Tim mạch, Bệnh viện FV cho biết, cụ bà tuổi cao, được đưa vào FV cấp cứu trong tình trạng gần như không thở nổi. Bà còn có bệnh nền là xơ gan và cao huyết áp. Đo điện tim phát hiện bà có cơn rung nhĩ - một dạng rối loạn nhịp tim xảy ra khi có sự co bóp nhanh quá mức và không đều của tâm nhĩ. Ngay lập tức, bác sĩ kiểm soát cơn rung nhĩ bằng thuốc, sau đó kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây ra rung nhĩ.

Đốt rung nhĩ bằng sóng cao tần, giúp cụ bà 79 tuổi thoát nguy kịch - 1
Các bác sĩ khoa Tim, Bệnh viện FV thực hiện kỹ thuật cắt đốt rung nhĩ (Ảnh: FV).

Khi sức khỏe của bà dần ổn định, bác sĩ đề xuất phương án điều trị tiếp theo: cắt đốt rung nhĩ bằng sóng cao tần. Bệnh nhân được đánh giá tổng thể sức khỏe, các bác sĩ lên phương án và chiến lược điều trị để đảm bảo an toàn từng khâu trước khi thực hiện thủ thuật triệt đốt rung nhĩ. Ngoài yếu tố nguy cơ là tuổi cao, thể trạng yếu, bị cao huyết áp, thì bệnh xơ gan của bà còn dễ gây rối loạn đông máu, khá khó kiểm soát trong lúc làm thủ thuật.

Ca cắt đốt rung nhĩ cho bà Hồ kéo dài gần 4 giờ, trong đó bác sĩ Minh dành phần lớn thời gian để thực hiện công việc quan trọng, là lập bản đồ giải phẫu điện học buồng tim 3D, nhằm xác định vị trí của 4 tĩnh mạch phổi. Kết hợp sử dụng máy triệt đốt bằng sóng cao tần và máy kích thích điện sinh lý tim, ê-kíp đặt dụng cụ vào vùng tĩnh mạch phổi để triệt đốt cô lập điện học gây rung nhĩ.

Đốt rung nhĩ bằng sóng cao tần, giúp cụ bà 79 tuổi thoát nguy kịch - 2
Bác sĩ Hoàng Quang Minh tái khám cho bà Trần Thị Hồ  (Ảnh: FV).

Sau khi thực hiện thủ thuật, bà Trần Thị Hồ được theo dõi một ngày trước khi xuất viện. Lần tái khám đầu tháng 6, kết quả cho thấy bà không còn bị loạn nhịp tim nữa. "Trước đây, tôi thường xuyên mệt, đi khoảng 10 bước là lả người, thở gấp, các con chạy tới đỡ vì sợ tôi té ngã. Từ sau phẫu thuật tới nay, tôi khỏe ra, đi đứng tự chủ, không còn mệt mỗi lúc di chuyển nữa", bà Hồ chia sẻ.

Rung nhĩ: nguy cơ gây đột quỵ cao gấp 5 lần bình thường

Bác sĩ Hoàng Quang Minh cho biết, về giải phẫu thì trái tim có 4 buồng tim, trong đó 2 buồng tâm nhĩ, 2 buồng tâm thất; để tim hoạt động được thì máu sẽ từ tâm nhĩ, đi xuống tâm thất, rồi ra ngoài nuôi cơ thể, đi lên phổi để trao đổi oxy, sau đó về tim và tiếp tục vòng tuần hoàn. Nếu cơ thể bình thường, hoạt động của tâm nhĩ sẽ trơn tru đồng bộ cùng với tâm thất. Nhưng vì một số lý do mà sự đều đặn của tâm nhĩ không còn, dẫn tới bệnh lý rung nhĩ.

Đốt rung nhĩ bằng sóng cao tần, giúp cụ bà 79 tuổi thoát nguy kịch - 3
Bác sĩ Hoàng Quang Minh, khoa Tim, Bệnh viện FV tư vấn cho bệnh nhân về điều trị rung nhĩ (Ảnh: FV).

Rung nhĩ là bệnh khá phổ biến, ước tính có khoảng 37 triệu ca bị rung nhĩ trên thế giới, gấp 33% so với 20 năm trước. Dự kiến năm 2050, số ca bị rung nhĩ có thể tăng lên trên 60%. Bác sĩ Minh khuyến cáo, khi có cảm giác hồi hộp, đánh trống ngực, khó thở, hoặc hụt hơi, bệnh nhân nên đi khám để xác định đúng bệnh.

Các yếu tố nguy cơ thường gặp nhất của bệnh rung nhĩ là do tim (cao huyết áp, suy tim, bệnh mạch vành…), do viêm (cường giáp, bệnh về tuyến giáp, trào ngươc dạ dày thực quản, bệnh lý đái tháo đường…), do nguyên nhân ngoài tim (ngưng thở khi ngủ, béo phì, hút thuốc lá, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính…).

Người bị rung nhĩ có nguy cơ đột quỵ cao gấp 5 lần so với người bình thường. Ngoài ra, khi cơn rung nhĩ xuất hiện ngày càng nhiều sẽ gây ảnh hưởng cơ tim tâm nhĩ, giãn cơ tim tâm nhĩ, thay đổi cấu trúc hình dạng cơ tim tâm nhĩ, dẫn đến việc tăng nguy cơ suy tim.

Các phương pháp điều trị rung nhĩ

Theo bác sĩ Hoàng Quang Minh, sử dụng thuốc chống loạn nhịp để kiểm soát rung nhĩ, tỷ lệ thành công khoảng 20-40%. Nếu dùng thuốc không hiệu quả, bác sĩ có thể cân nhắc điều trị cho bệnh nhân bằng phương pháp cắt đốt bằng sóng cao tần.

Điểm mấu chốt của phương pháp cắt đốt rung nhĩ, theo bác sĩ Minh, là cần có máy 3D dựng hình buồng tim. Hiện nay, phương pháp cắt đốt bằng sóng cao tần (Radio Frequency Ablation) dưới  hỗ trợ của hệ thống 3D được ưu tiên lựa chọn để điều trị rung nhĩ, cũng như các căn bệnh loạn nhịp tim khác. Đây là phương pháp điều trị can thiệp tim mạch hiện đại, ưu việt vì thực hiện nhanh chóng, không cần phẫu thuật, không cần gây mê, tỷ lệ biến chứng của thủ thuật dưới 1%.

Đốt rung nhĩ bằng sóng cao tần, giúp cụ bà 79 tuổi thoát nguy kịch - 4

FV trang bị phòng Cathlab hiện đại, đáp ứng các kỹ thuật can thiệp tim mạch phức tạp (Ảnh: FV).

Bác sĩ Minh lưu ý thêm, triệt đốt rung nhĩ chỉ có thể làm giảm tần suất xuất hiện và ngăn chặn tái phát rung nhĩ trong thời gian dài. Điều mấu chốt là bệnh nhân cần kiểm soát các yếu tố nguy cơ khác gây bệnh rung nhĩ thông qua việc thiết lập lối sống khoa học, kiểm tra sức khỏe định kỳ.

Để biết thêm về điều trị bệnh rung nhĩ, bạn đọc có thể liên hệ Bệnh viện FV qua số máy: (028) 5411 3333.