Đột phá: Ghép tế bào gốc vào mắt chữa mù

(Dân trí) - Hai bệnh nhân bị một dạng “mù” phổ biến nhất ở Anh đã có thể lại đọc được sách sau khi được ghép miếng dán tế bào gốc “đột phá” vào mắt.

Miếng dán được ghép vào mắt bị tổn thương để tăng cường các tế bào nhạy cảm với ánh sáng
Miếng dán được ghép vào mắt bị tổn thương để tăng cường các tế bào nhạy cảm với ánh sáng

Một người đàn ông 86 tuổi, và một phụ nữ ở độ tuổi 60, cả hai đều được chẩn đoán bị thoái hóa hoàng điểm tuổi già (AMD) thể ướt, một tình trạng bệnh gây mất thị lực trung tâm.

AMD ảnh hưởng đến hơn 600.000 người ở Anh và xảy ra khi các tế bào nhạy cảm ánh sáng ở trung tâm võng mạc - một vùng gọi là hoàng điểm - bị hư hại.

Phương pháp điều trị duy nhất hiện nay là tiêm thuốc vào mắt, hoặc phẫu thuật laser, làm chậm sự phát triển của các mạch máu gây hại cho hoàng điểm. Tuy nhiên, chúng chỉ khôi phục được một phần thị lực và không phải bệnh nhân nào cũng có hiệu quả.

Giờ đây, các nhà khoa học tại Đại học London (UCL) và Bệnh viện Mắt Moorfields ở London đã chứng minh rằng có thể phục hồi thị lực bằng cách sử dụng một miếng dán tế bào gốc để bù đắp cho vùng bị tổn thương.

Ông Douglas Waters đã có thể đọc được trở lại sau khi trở thành người đầu tiên trên thế giới được ghép miếng dán tế bào gốc vào mắt.
Ông Douglas Waters đã có thể đọc được trở lại sau khi trở thành người đầu tiên trên thế giới được ghép miếng dán tế bào gốc vào mắt.

Trong một ca mổ kéo dài hai giờ, các chuyên gia đã đưa miếng dán vào dưới võng mạc của mỗi bệnh nhân, sau đó các bệnh nhân được theo dõi trong một năm. Cả hai đều đi từ chỗ hoàn toàn không thể đọc được, đến đọc được tới 80 từ/phút với kính đọc sách thông thường.

Douglas Waters, 86 tuổi, đến từ Croydon, London, là một trong hai bệnh nhân được điều trị tại Bệnh viện Mắt Moorfields. Ông đã phát triển AMD thể ướt nặng vào tháng 7 năm 2015 và đã được điều trị ba tháng sau đó ở mắt phải.

"Tôi đã rất vất vả để nhìn rõ mọi thứ, ngay cả khi ở rất gần," ông nói. "Sau mổ, thị lực của tôi đã được cải thiện đến mức giờ đây tôi có thể đọc báo và giúp vợ làm vườn.

"Đó là điều tuyệt vời mà các bác sĩ đã làm và tôi cảm thấy rất may mắn khi đã nhìn thấy được trở lại".

Ảnh chụp đáy mắt cho thấy các tế bào mới sẫm màu hơn đã mọt lên quanh miếng dán sau một năm.
Ảnh chụp đáy mắt cho thấy các tế bào mới sẫm màu hơn đã mọt lên quanh miếng dán sau một năm.

Các chuyên gia cho biết việc điều trị mang lại "hy vọng thực sự" cho những người bị AMD.

GS. Lyndon da Cruz, chuyên khoa mắt tại Bệnh viện mắt Moorfields NHS Foundation Trust cho biết: "Những bệnh nhân được điều trị đã bị AMD nặng, và thị lực được cải thiện sẽ góp phần nâng cao chất lượng sống của họ.

"Chúng tôi thừa nhận rằng đây là một nhóm bệnh nhân nhỏ, nhưng chúng tôi hy vọng những điều rút ra từ nghiên cứu này sẽ mang lại lợi ích cho nhiều bệnh nhân hơn trong tương lai.

"Các kết quả cho thấy cách tiếp cận điều trị mới này là an toàn và mang lại kết quả thị lực tốt."

Miếng dán được nuôi cấy trên một khung nhựa mỏng từ tế bào gốc phôi người. Thay vì thay thế các tế bào nhạy cảm ánh sáng bị tổn thương, miếng dán bao gồm một lớp biểu mô sắc tố võng mạc, một mô đặc biệt hỗ trợ cho các tế bào nhạy cảm ánh sáng, giữ cho chúng khỏe mạnh và thúc đẩy quá trình tái tạo.

Trước đây các tế bào gốc đã từng được sử dụng để giúp người bị AMD, nhưng đây là lần đầu tiên một miếng dán như vậy được nuôi cấy và ghép.

Đây là lần đầu tiên một mảnh mô công nghệ sinh học được sử dụng thành công để điều trị cho người bị mất thị lực nghiêm trọng. Liệu pháp mới sẽ cần trải qua những thử nghiệm lớn hơn và sau đó phải được cơ quan chức năng phê duyệt, nhưng các nhà nghiên cứu tin rằng điều trị này sẽ có mặt ở các cơ sở điều trị mắt trong vòng 5 năm nữa.

Douglas Waters, GS. Lydon da Cruz, Freda Waters, và Odysseas Georgiadis
Douglas Waters, GS. Lydon da Cruz, Freda Waters, và Odysseas Georgiadis

GS Pete Coffey thuộc Viện Nhãn khoa UCL cho biết: "Nghiên cứu này cho thấy tiến bộ thực sự của y học tái tạo và mở ra cánh cửa cho những phương pháp điều trị mới cho những người bị thoái hóa hoàng điểm tuổi già".

Bình luận về nghiên cứu, TS Carmel Toomes, Phó Giáo sư, Viện Y học phân tử Leeds, nói: “Những kết quả này mang lại hy vọng cho nhiều bệnh nhân chứ không chỉ là những người bị AMD và các thoái hóa võng mạc khác rằng liệu pháp thay thế tế bào gốc có thể thành hiện thực trong tương lai gần .

"Mặc dù đây chỉ là một thử nghiệm lâm sàng rất sớm nhưng kết quả cho thấy công nghệ này đang đi đúng hướng."

Các tế bào gốc phôi có khả năng trở thành bất kỳ tế bào nào trong cơ thể trong môi trường thích hợp
Các tế bào gốc phôi có khả năng trở thành bất kỳ tế bào nào trong cơ thể trong môi trường thích hợp

TS Dusko Ilic, thuộc trường King's College London tỏ ra tin tưởng: "Mặc dù vẫn ở giai đoạn thử nghiệm, kết quả đáng phẫn khởi từ nhóm của da Cruz đã giảm bớt mối quan ngại về độ an toàn của các liệu pháp dựa trên tế bào gốc phôi người”.

Các kết quả thử nghiệm đã được công bố trên tạp chí Nature Biotechnology.

Cẩm Tú

Theo Telegraph

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm