Hà Nội:

Đóng cửa nhiều cơ sở kinh doanh thực phẩm không an toàn

(Dân trí) - Liên ngành thanh tra thành phố Hà Nội đã tiến hành kiểm tra, phạt và đóng của một số cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố không đảm bảo VSATP trên địa bàn Quận Hoàn Kiếm.

Ngày 13/4, đoàn thanh tra đã tiến hành kiểm tra vệ sinh môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm tại phố Bảo Linh, phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm.

Dừng lại tại cửa hàng cơm bình dân số 32, cán bộ kiểm tra đã phát hiện các món ăn được phơi hết ra ngoài không khí, không có tủ kính che đậy. Nồi nước canh mà những người dân đang sử dụng đặt ngay cạnh bếp than tổ ong. Rau sống, thịt luộc, thùng nước gạo, bếp than được đặt trong nhà bếp với diện tích chỉ 8 m2.

Một môi trường vệ sinh không đảm bảo như vậy nhưng khách ăn ở đây lại khá đông, chủ yếu là những người làm lao động phổ thông quanh khu vực.

Hỏi về dịch tiêu chảy cấp, một số khách hàng đang ăn, uống tại đây cho hay: Họ đã nghe tuyên truyền và biết rằng đang có dịch lưu hành trong thành phố nên đã tránh không ăn những thực phẩm có nguy cơ cao như: rau sống, hải sản, mắm tôm....

Hiện dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm đã có ở 18 tỉnh, thành trên toàn quốc. Riêng Hà Nội đã có hơn 800 với 44 ca dương tính với phẩy khuẩn tả.

Tuy nhiên, theo anh Mạnh Hà, lái xe ôm: “Chúng tôi là những dân lao động ngoại tỉnh, vì điều kiện kinh tế eo hẹp nên chỉ dám ăn ở những quán bình dân như thế này. Còn về vệ sinh thực phẩm, phải do những người kinh doanh có ý thức và cơ quan chức năng phải có biện pháp kiểm tra thường xuyên”.

Phía chủ hộ kinh doanh khi được hỏi vì sao lại kinh doanh thực phẩm trong điều kiện thiếu vệ sinh đến vậy thì chỉ im lặng, cúi mặt!

Ngay lập tức, cửa hàng kinh doanh trên bị đóng cửa và tạm đình chỉ kinh doanh.

Đây là đợt dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm thứ 3, vậy mà những cửa hàng mất vệ sinh an toàn thực phẩm như vậy vẫn tồn tại!

Ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch ủy ban nhân dân phường Phúc Tân thì “trình bày”: Phường có tổ chức kiểm tra, vào thời điểm đó thì các hộ kinh doanh đảm bảo điều kiện VSATT, còn sau đó thì lại vi phạm. Từ vụ việc này, phường sẽ tăng cường hơn nữa vấn đề kiểm tra các hộ kinh doanh thực phẩm trên địa bàn!

Tiến hành kiểm tra tiếp khu vực nhà trọ của người dân nhập cư đang sinh sống tại phường này, đoàn thanh tra đều có chung nhận định. Tại đây, vệ sinh môi trường cũng rất mất vệ sinh, nước thải, rác thải đểu đổ ra sông Hồng.

Gặp được đoàn thanh tra, hộ gia đình bà Bà Bùi Thị Bảng vô cùng phấn khởi và kiến nghị: Cơ quan chức năng nhanh chóng có biện pháp ngăn chặn người dân sống quanh đây ngừng việc đổ rác ra trước cửa nhà bà và có các biện pháp để cải thiện môi trường khu vực này.

Tại cửa hàng lòng heo ở 20 Hai Bà Trưng, đoàn kiểm tra phát hiện có bán tiết canh, dù món ăn này đã bị cấm bán ở Hà Nội từ khi có dịch cúm H5N1. Cùng với một cửa hàng cơm bình dân khác ở quận Hoàn Kiếm, quán này bị đóng cửa cho đến khi khắc phục được các thiếu sót trên.

Quán nem Tai Bà Hồng cũng đã được đoàn kiểm tra nhắc nhở và yêu cầu hạn chế cung cấp rau sống, nem chua vì đây là những món ăn có nguy cơ cao và dễ chứa phẩy khuẩn tả.

Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Y tế, cho biết: "Tại Hà Nội có 16.000 cơ sở thức ăn đường phố nhưng chỉ mới 40% trong số đó đã được cấp giấy chứng nhận ATVSTP. Trong thời gian tới, Sở Y tế sẽ ráo riết kiểm tra vấn đề giấy chứng nhận. Nếu phát hiện cửa hàng nào không đáp ứng đủ điều kiện sẽ đình chỉ kinh doanh ngay lập tức. Đây là biện pháp mạnh của Thành phố nhằm dập dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm hiện đang lưu hành và nâng cao chất lượng VSATTP.

Mới đây, Bộ Y tế cũng vừa gửi công văn khẩn yêu cầu các địa phương nhanh chóng thẩm định để cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP cho các cơ sở thức ăn đường phố, và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Các sở y tế cần tăng cường vận động người dân triệt để thực hiện ăn chín, uống sôi, rửa tay sạch và không ăn các thực phẩm nguy cơ cao như rau sống, tiết canh lòng lợn, thịt chó.
P. Thanh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm