Đổi thay ở làng phong
(Dân trí) - Một ngôi làng được mọc lên bởi những con người đặc biệt. Họ là nạn nhân của căn bệnh phong quái ác, luôn phải chịu đau đớn lẫn thể xác và tinh thần. Sau hàng chục năm, từ ngôi làng đau thương ấy, những con người này đã thực sự hồi sinh.
Gần 50 năm qua (khoảng năm 1967), tại thôn Tô 1 xuất hiện một ngôi làng nhỏ, bao bọc xung quanh là những ngọn núi cao chót vót, nằm biệt lập với thế giới bên ngoài.
Khi mới được thành lập, cơ sở vật chất chỉ là mấy ngôi nhà tranh tre nứa lá tạm bợ đủ che nắng mưa. Trong làng là những người bị cơn đau hành hạ, cụt tay, mất chân, mắt mờ, răng rụng, toàn thân lở loét… không dám tiếp xúc với bên ngoài, mang nặng mặc cảm vì căn bệnh, oán than số phận bị “trời đày”.
Bác sĩ Nguyễn Quang Vũ, Điều dưỡng - Trưởng khoa (BV Da liễu Thanh Hóa), người đã gắn bó với những bệnh nhân phong, cho biết, phần lớn bệnh nhân mắc chứng bệnh phong đều được điều trị tại đây. Vào những năm 1967, khu điều trị phong như một “ốc đảo”, người bệnh ngày đêm “thui thủi” một mình, quằn quại đau đớn dưới những căn nhà cấp 4 cũ kỹ, với trên 150 bệnh nhân đến từ nhiều địa phương trong tỉnh như Nga Sơn, Hoằng Hóa, Đông Sơn...
Kể từ năm 1973, khi bác sĩ Hansen người Na Uy tìm ra thủ phạm gây bệnh phong là một loài trực khuẩn được đặt tên là Mycobacterium Laprae (còn gọi là trực khuẩn Hansen) thì bệnh phong mới có thuốc đặc trị. Trước đây, người bệnh phong chỉ biết tuyệt vọng nhìn bàn tay bàn chân mình rụng dần, hay dội nước sôi, cào cấu vào da thịt mình khi đến cơn đau. Có thuốc đặc trị do Nhà nước chu cấp, người bệnh được hồi sinh, bệnh phong được kiểm soát.
Ông Trịnh Xuân Tỵ- một bệnh nhân phong lâu năm của làng không thể quên được những ngày đầu được đưa đến nơi này điều trị. Đau đớn cả thể xác lẫn tinh thần cho đến giờ vẫn còn ám ảnh ông. Ông bảo bệnh tật hành hạ đã khiến những con người khốn khổ nơi đây thêm gắn bó và yêu thương nhau hơn. Từ ngày thoát được căn bệnh hủi, cuộc sống của những bệnh nhân phong như sang trang mới.
Trên diện tích rộng hơn 15ha, khu điều trị phong được xây dựng khang trang, kiên cố, với hai phân khu: khu điều trị với 50 giường bệnh; khu nhà ở, sinh hoạt của 27 hộ gia đình bệnh nhân phong cả những người đã khỏi bệnh xin ở lại sinh sống.
Vượt qua mọi nỗi đau, những con người ấy đã làm thay đổi số phận, họ tự tăng gia sản xuất, cải thiện cuộc sống. Tại khu ở và sinh hoạt, những nếp nhà với đàn trâu, bò, lợn gà, những vườn rau xanh mướt.
Mọi định kiến về sự xa lánh, kỳ thị nay không còn. Người mua, kẻ bán từ khắp nơi ra vào nhộn nhịp như minh chứng cho sự đổi thay cuộc sống của những “thân phận” từng bị xã hội ruồng bỏ.
Nếu như trước đây, không chỉ những người mắc bệnh phong mà ngay cả người thân của họ rất khó xây dựng hạnh phúc gia đình với những người bình thường thì giờ đây, sự kỳ thị ấy đã biến mất. Từ sự gắn bó, cảm thông cho nhau, những cặp đôi đã nên vợ nên chồng từ nơi này. Họ sinh con đẻ cái rồi con cái họ lớn lên cũng lập gia đình như bao nhiêu người bình thường khác.
Họ là những con người đã hóa giải lời nguyền ác nghiệt đối với bệnh nhân phong. Sự kỳ thị của xã hội đối với bệnh nhân phong đã được thay đổi lớn, theo chiều hướng tích cực.
Trải qua gần 50 năm, làng phong hôm nay không còn dáng vẻ hoang sơ, heo hút như thuở ban đầu, thay vào đó những kiếp người “đáng thương” đó đang từng ngày, từng giờ hồi sinh trên mảnh đất - nơi đã đổi thay cuộc đời họ.
Bình Minh