1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Đối phó với cơn sốt 39-40 độ C khi mắc cúm A như thế nào?

Hồng Hải

(Dân trí) - Nhiều trẻ mắc cúm A sốt 39-40 độ, thời gian tái sốt chỉ 2-3 tiếng. Trong khi đó, thuốc hạ sốt được khuyến cáo 4-6 tiếng dùng một lần. Nhiều bố mẹ lo thấy con sốt hầm hập, liều dùng thuốc.

Sốt cao liên tục

Chị T.H.H. (41 tuổi, Cầu Giấy) vừa cùng cả nhà trải qua 20 ngày ốm sốt vật vã vì cúm A. Đặc biệt, bố mẹ cúm A nhưng không bị sốt, chỉ ho nhiều, trong khi em bé 3 tuổi, sốt cao liên tục 39-40 độ.

Đối phó với cơn sốt 39-40 độ C khi mắc cúm A như thế nào? - 1

Trẻ mắc cúm A thường sốt cao liên tục, 2-3 tiếng tái sốt một lần (Ảnh: Hồng Hải).

"Khi dùng thuốc hạ sốt, khoảng 20-30 phút mới bắt đầu hạ. Nhưng chỉ khoảng 1-2 tiếng sau lại thấy người con hầm hập, kẹp nhiệt độ đã tăng vọt 39-40 độ. Cho con uống tiếp hạ sốt paracetamol thì sợ ảnh hưởng đến gan, vì thuốc khuyến cáo 4-6 tiếng dùng một lần, mà không dùng thuốc thì không biết làm sao để hạ sốt", chị H. chia sẻ.

Cuối cùng, bác sĩ đã kê thêm cho con chị thuốc hạ sốt ibuprofen, sau khi loại trừ chắc chắn trẻ không mắc sốt xuất huyết. Tuy nhiên, bác sĩ khuyến cáo hạn chế tối đa, chỉ ưu tiên sử dụng paracetamol vì đến nay, đây vẫn là thuốc hạ sốt lành nhất với trẻ nhỏ.

"Nếu không có thêm thuốc, thực sự tôi không biết phải làm thế nào để hạ sốt cho con, chỉ sợ con sốt cao, co giật", chị H. chia sẻ.

Cho trẻ uống nhiều nước, chườm ấm và dùng thuốc đúng chỉ định

TS.TS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính.

Bệnh lây qua đường hô hấp với biểu hiện trẻ sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, hắt hơi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh hiện nay ở nước ta chủ yếu do các chủng virus cúm A và cúm B.

Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho, khạc.

Đặc biệt, tình trạng sốt của trẻ khiến nhiều phụ huynh lo lắng bởi trẻ sốt cao, tái sốt liên tục.

Để đối phó với cơn sốt 39-40 độ C, TS Lâm khuyên cha mẹ cho con mặc quần áo mỏng, thoáng. Liên tục chườm ấm ở vùng trán, nách, bẹn (lưu ý nhiệt độ nước chườm được xác định bằng cách nhúng cùi chỏ của người lớn vào chậu nước, nếu thấy ấm là được).

Nếu trẻ sốt từ 38.5 độ C, cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ, mỗi 4-6h uống nhắc lại 1 lần.

Bên cạnh đó, liên tục cho trẻ uống oresol, nước lọc, sữa, nước trái cây, đồ ăn loãng như súp, cháo... hỗ trợ rất tốt cho việc hạ sốt. Hãy cho trẻ uống liên tục, uống từng tí một sẽ giúp thẩm thấu oresol được tốt hơn. Đừng đợi đến khi trẻ bắt đầu sốt trở lại mới uống nước mà hãy luôn nhắc nhở trẻ uống từng tí một.

Đặc biệt cần lưu ý, đừng đợi thuốc hạ sốt có tác dụng, mà sau khi uống thuốc phải chườm cho trẻ. Khi trẻ có dấu hiệu vã mồ hôi, hạ sốt, cần lau mồ hôi cho trẻ. Sau đó khoảng 1 tiếng, dù trẻ chưa sốt cao ngay trở lại, cũng lên chườm ấm liên tục cho trẻ.

Bệnh cúm diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày, nhưng đối với trẻ em, người lớn tuổi, người có bệnh mãn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch …, bệnh có thể diễn biến nặng hơn như viêm phổi, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong.

Vì thế, hãy để ý tới trẻ, nếu thời gian sốt giãn ra, trẻ chịu chơi hơn, đó là dấu hiệu bệnh đang lui. Còn trong trường hợp trẻ thở nhanh, khóc nhiều, không chịu chơi, giảm ăn... bố mẹ đừng chủ quan, hãy đưa trẻ đi khám.