Đối phó với chứng sổ mũi
Mũi tắc tịt, rát ngứa khó chịu, nước chảy ròng ròng... tất cả sẽ khiến bạn trông thật khổ sở và kém hấp dẫn, đấy là chưa nói đến những bất tiện trong công việc hằng ngày. Vậy phải làm gì khi bị sổ mũi?
Nguyên nhân gây sổ mũi có thể là do cảm lạnh thông thường - chứng bệnh phổ biến song lại không có bất kỳ loại thuốc nào điều trị triệt để. Trung bình, một đứa trẻ có thể bị nhiễm virus cảm lạnh khoảng 8 lần một năm. Sổ mũi cũng có thể do hít phải không khí lạnh hoặc các dị ứng nguyên như bụi, lông động vật hoặc phấn hoa.
Nhiều người cho rằng cứ khi nào bị sổ mũi thì uống kháng sinh. Giải pháp này là không đúng. Kháng sinh chỉ được dùng khi cơ thể có dấu hiệu sốt. Dưới đây là một số giải pháp đối phó với tình trạng sổ mũi:
Dùng khăn giấy: Nên dùng khăn giấy thay vì khăn mùi soa hay khăn mặt để lau nước mũi. Nguyên do là khăn giấy có thể vứt đi ngay sau khi dùng để hạn chế lây lan vi khuẩn gây bệnh. Sau mỗi lần lau mũi, chú ý rửa sạch tay.
Ăn món nóng: Các món ăn nóng và cay có thể khiến chảy nước mũi, giúp thông mũi và loại bỏ phần nào sự ngứa ngáy khó chịu.
Thuốc kháng histamine: Histamine là một hóa chất trong cơ thể chuyên gây tắc nghẽn, hắt hơi và sổ mũi. Do đó, nhóm thuốc kháng histamine có thể khống chế hoạt chất này, giúp giảm triệu chứng bệnh.
Nếu mọi nỗ lực trị sổ mũi đều thất bại, đừng ngần ngại tham vấn bác sĩ. Để phòng tránh sổ mũi, trước khi vào giai đoạn chuyển mùa, cần bổ sung vitamin C để tăng cường hệ miễn dịch và chú ý giữ gìn sức khỏe chống lây nhiễm virus.
Theo VnExpress