1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Đối phó chứng phù chân khi mang thai

Càng về những tháng cuối của thai kỳ, trọng lượng cơ thể người phụ nữ mang thai tăng lên không ngừng và chính điều này gây sức ép lên đôi chân của họ. Làm thế nào để giảm thiểu tình trạng này là điều rất cần thiết để mang lại sự dễ chịu cho bà mẹ tương lai.

Đôi chân phù lên trông thấy kèm theo các cảm giác nặng nề, sưng cả ở cẳng và mắt cá chân, thai phụ thường xuyên thấy như bị kiến cắn và chuột rút. Hiện tượng này là do tĩnh mạch bị sưng lên gây đau và mỏi chân.

 

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này nhưng trước tiên cần nhấn mạnh về sự quan trọng của giày dép đối với phụ nữ mang thai. Các bà mẹ trẻ mang thai lần đầu tiên chưa có kinh nghiệm rất dễ mắc sai lầm khi không quan tâm đến cỡ giày sao cho phù hợp với trọng lượng của từng thời kỳ.

 

Mang giày, dép quá chật chính là nguyên nhân phát sinh của chứng viêm tấy kẽ chân, chai, sần ngón chân...Các vết chai sần được hình thành như những đốm da cứng xuất hiện để chống lại sự ma sát của giày dép lên chân. Thời gian mang giày chật càng lâu thì những vết chai này cũng dày lên, sạm đen đi khiến đôi chân mất đi vẻ đẹp và tăng thêm cảm giác bức bối, bó chặt đôi bàn chân. Không những thế còn làm phát sinh chứng viêm kẽ chân, nhất là kẽ ngón chân cái. Những vết sưng phồng ở mép hay ở dưới ngón chân cái khiến thai phụ đau nhức không yên phải tìm đến bác sỹ để chữa chạy.

 

Ngoài ra, độ cao của giày cũng ảnh hưởng tới xương. Điển hình là giày cao gót khiến cho cơ thể không được cân bằng, xương chậu bị nghiêng đi theo khiến đau nhiều ở vùng lưng dưới, thậm chí còn mang lại những hậu quả tai hại cho thai nhi nếu chẳng may bà bầu bị trẹo chân ngã.

 

Tốt nhất là các bà bầu nên tìm mua cho mình loại giày phù hợp với kích thước chân và độ cao vừa phải ở khoảng 1-3 cm. Những khi có điều kiện như ngồi trong phòng làm việc hay ở nhà thì nên để chân được thư giãn bằng cách cởi giày, dép ra mà thay bằng dép mềm đi trong nhà.

 

Nếu bạn bị sưng tĩnh mạch quá nặng, bác sỹ điều trị có thể cho thuốc tăng trương lực tĩnh mạch, kem hoặc thuốc bôi để giảm đau tạm thời. Về phần mình, các bà bầu nên tránh dùng tất có nịt thun, quần bó, giày bốt. Cũng nên tránh phải đứng quá lâu hay bị gấp chân. Bác sỹ sẽ khuyên để chân cao khi ngủ.

 

Tuy nhiên, bà bầu vẫn có thể làm đẹp cho đôi chân của mình mà không hề ảnh hưởng xấu tới đứa con trong bụng. Đầu tiên là làm sạch đôi chân. Những dụng cụ hữu ích hàng ngày như bàn chải mềm để chải sạch móng chân, đá bọt hay xơ mướp làm mềm da chân, loại bỏ những tế bào chết, những vết chai sần, xà bông dưỡng ẩm vừa làm sạch từng kẽ chân, vừa mang lại cảm giác mềm mại.

 

Khi về gần cuối thai kỳ, đôi chân sẽ thường xuyên bị mỏi và đau hơn, các bà bầu có thể ngâm chân vào nước ấm hay massage chân để giảm bớt những cơn đau.

 

Tập thể dục đều đặn cho đôi chân cũng là một phương pháp giúp đôi chân thư giãn và hồi phục. Bà bầu có thể đi bộ nhẹ nhàng hay xoay bàn chân để tăng lưu thông máu huyết, ngăn ngừa việc giãn các mạch máu, làm mạnh cơ và đồng thời giảm thiểu những cơn đau. Các bác sỹ khuyên rằng những bà mẹ tương lai nên thường xuyên đi bộ nhẹ nhàng vào buổi tối để dễ dàng hơn cho quá trình vượt cạn cũng là vì yếu tố khoa học này. Sự vận động nhẹ nhàng không những tốt cho thai nhi mà còn tốt cả cho các bà mẹ.

 

Biện pháp xoay bàn chân rất dễ dàng thực hiện ở bất cứ đâu: trên sàn, trên ghế hay trên giường mỗi khi bạn thấy đau hay mỏi chân. Trước tiên là ngồi xếp bằng chân trái, lưng thẳng, cánh tay trái ôm chặt đầu gối phải và tay phải nhấc bàn chân  phải lên khỏi mặt đất. Xoay quanh cổ chân theo một vòng tròn lớn và gập bàn chân lại, tiếp theo là xoay từng ngón chân theo chữ O trong không khí, sau đó đổi chân. Tập đều đặn mỗi ngày 2-3 lần, mỗi lần trong 10 phút chắc chắn cảm giác đau mỏi sẽ ít hơn.

 

Theo Khoa học Phổ thông