1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

"Đổi đời" sau 7 lần phẫu thuật di chứng do bỏng lửa xăng

(Dân trí) - Sau điều trị bỏng lửa xăng 75% toàn thân, bệnh nhân bị di chứng sẹo co rút, nằm liệt một chỗ, chờ chết. Vậy nhưng, từ chỗ bác sĩ phải về tận nhà thăm khám, qua 7 lần phẫu thuật tạo hình, đến nay bệnh nhân có thể đưa con đi học và lao động kiếm sống.

Cuối năm 2014, anh Phùng Thanh Liêm (31 tuổi, ngụ tại huyện Đắc Nông) mua 5 lít xăng về trữ trong bếp để sử dụng cho máy phát cỏ rẫy. Trong lúc vợ nấu ăn, đàn gàn rượt đuổi nhau trong bếp làm đổ can xăng khiến ngọn lửa bùng lên. Nhảy vào biển lửa cứu được vợ an toàn thoát ra ngoài, nhưng bản thân anh Liêm bị lửa làm bỏng 75% toàn thân. Sau nhiều tháng điều trị anh được bác sĩ cứu sống, song di chứng sẹo co rút khiến bệnh nhân tuyệt vọng nằm chờ chết. Nhưng “em không thể ngồi dậy để tìm cách tự tử được”.

Bệnh nhân Thanh Liêm ở thời điểm trước khi đến bệnh viện điều trị
Bệnh nhân Thanh Liêm ở thời điểm trước khi đến bệnh viện điều trị

Đầu năm 2015, Hội thầy thuốc trẻ của TPHCM lên tỉnh Đắc Nông khám bệnh từ thiện. Anh Liêm được chính quyền địa phương phát phiếu khám bệnh miễn phí nhưng lại không thể di chuyển đến địa điểm bác sĩ thăm khám. Với hy vọng tìm cơ hội cứu chữa cho chồng, người vợ đã đến năn nỉ các bác sĩ về tận nhà để khám cho chồng. Cảm thông với hoàn cảnh của chị, BS Phan Văn Đức, Phó giám đốc Bệnh viện Quận 2, đã cho xe cứu thương về tận nơi thăm khám cho người chồng.

“Trước mắt tôi khi đó là người đàn ông chỉ còn da bọc xương, nằm co quắp trên giường bệnh, toàn thân bị sẹo co rút, nhiều chỗ đang nhiễm trùng, lở loét. Tôi đã trao đổi nhanh với các đồng nghiệp của mình, đồng thời quyết định mời bệnh nhân về TPHCM để tìm cách điều trị”. BS Đức chia sẻ.

Theo lịch hẹn, tháng 3/2015 bệnh nhân đã đến Bệnh viện Quận 2. Tuy nhiên, hậu quả của tai nạn khiến gia đình lâm vào cảnh khánh kiệt, không lo được chi phí đi lại và điều trị. Để giải quyết vấn đề tài chính cho người bệnh, phía bệnh viện đã chủ động kêu gọi sự hỗ trợ từ các mạnh thường quân. Gia cảnh thương tâm của cặp vợ chồng trẻ đã nhận được sự giúp đỡ từ cộng đồng.

Người trực tiếp điều trị cho Phùng Thanh Liêm là TS.BS Phan Minh Hoàng, Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Quận 2 cho hay: “Những di chứng của sẹo co rút do bỏng lửa xăng gây ra khiến bệnh nhân bị co cứng các khớp, chân tay gần như không thể cử động được. Nếu không can thiệp sớm, tình trạng trên sẽ ngày càng trở nặng, mặt khác nguy cơ nhiễm trùng cơ hội sẽ cướp đi sinh mạng người bệnh”.

Sau 7 lần phẫu thuật, bệnh nhân đã tìm lại sức khỏe gần như người bình thường
Sau 7 lần phẫu thuật, bệnh nhân đã tìm lại sức khỏe gần như người bình thường

BS Hoàng chia sẻ: “Chúng tôi đã phải thực hiện 7 lần phẫu thuật để giải phóng sẹo co rút, ghép da vùng nách và gối 2 bên, đặt túi giãn mô làm mềm các phần bị bỏng, ghép da vùng ngực, bụng, vai, lưng cho bệnh nhân. Những cuộc phẫu thuật dù đã được giãn cách thời gian hợp lý, kết hợp chăm sóc tích cực về dinh dưỡng chờ người bệnh bình phục song diện tích bỏng và di chứng sẹo co rút quá nhiều nên không thể tránh khỏi đau đớn về thể xác cho bệnh nhân”.

Đã có lúc Thanh Liêm muốn bỏ cuộc, chấp nhận cuộc sống tàn phế. Tuy nhiên, nhờ công tác tư tưởng từ bác sĩ và sự động viên của gia đình, bệnh nhân đã dũng cảm vượt qua những cơn đau khủng khiếp do vạt da, ghép da, nối mạch máu, kéo giãn cơ co rút... Nỗ lực trên đã giúp tổng trạng của người bệnh từng bước phục hồi, sau lần phẫu thuật thứ 5 vào tháng 5/2015, Thanh Liêm đã có thể tự đi lại được.

Sự thành công của lần phẫu thuật thứ 7 vào tháng 11/2016 nằm ngoài cả sự mong đợi của bác sĩ và gia đình cũng như bản thân người bệnh bởi sau khi xuất viện, anh đã có thể đạp xe đưa con đi học. Từ đó đến nay, ngoài công việc thường ngày trong gia đình như nấu cơm, giặt quần áo, chăn nuôi gà, heo, anh đã bắt đầu đi làm trở lại.

Trong lần tái khám vào ngày 11/1/2017, Thanh Liêm xúc động cảm ơn các bác sĩ và chia sẻ: “Tuy sức khỏe và sự linh hoạt không được như trước, nhưng giờ đi làm mướn, mỗi ngày người thuê trả cho người làm công khỏe mạnh bình thường 150 nghìn đồng thì họ cũng trả cho em 130 nghìn đồng. Sau ngày gặp nạn, em chỉ muốn kết thúc sự sồng chứ không dám mơ đến ngày mình có thể tìm lại được niềm vui sống như hôm nay”.

Vân Sơn