1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Doanh nghiệp chiếm dụng quỹ, gần 50% công nhân không có BHYT

(Dân trí) - Quy định, chế tài của pháp luật chưa nghiêm minh đang “tiếp tay” cho các doanh nghiệp trốn đóng, chiếm dụng quỹ khiến gần 50% người lao động không có thẻ bảo hiểm y tế. Thực trạng trên đang gây trở ngại lớn cho lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân.

Thông tin từ TS Lê Văn Khảm, Phó vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế (Bộ Y tế) ngày 29/6 cho biết: Thực hiện lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân, ngành y tế đang phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai rốt ráo các giải pháp nhằm khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm y tế. Tính đến ngày 31/5/2015 số người tham gia bảo hiểm y tế trên cả nước đã đạt khoảng 64,6 triệu, tỷ lệ bao phủ là 71,4%, con số trên đã tăng 2,7 triệu người so với cùng kỳ năm 2014.

Theo lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân, mục tiêu đặt ra đến hết năm 2015 số người tham gia sẽ phải đạt 75% dân số cả nước. Như vậy, từ nay đến cuối năm sẽ còn 3,6% dân số cần phải có thẻ bảo hiểm y tế. Con số trên tuy không lớn nhưng đang trở thành nhiệm vụ rất khó khăn đối với ngành y tế và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam bởi tình trạng nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm y tế tại các doanh nghiệp diễn ra rất phổ biến, đã trở thành “căn bệnh nan y”.

Doanh nghiệp chiếm dụng quỹ, gần 50% công nhân không có BHYT
Ông Phạm Lương Sơn cho rằng, chiếm dụng bảo hiểm y tế đang là vấn đề nhức nhối nhưng chưa có giải pháp xử lý triệt để

Theo thống kê của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, trên cả nước có khoảng 49% số người lao động trong các doanh nghiệp không tham gia bảo hiểm y tế. Thực trạng trên là do người sử dụng lao động không thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình để đáp ứng quyền lợi của người lao động. Các doanh nghiệp một mặt vẫn thu tiền bảo hiểm (bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn) từ người lao động nhưng không đóng cho cơ quan quản lý nhà nước mà chiếm dụng luôn nguồn quỹ trên để làm vốn của mình.

Tình trạng trên không chỉ gây thiệt thòi cho người lao động mà còn gây thất thoát cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, đến nay chưa có giải pháp nào mang tính triệt để nhằm chữa căn bệnh “tham lam” của các doanh nghiệp làm ăn bất chính. Theo ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội Việt Nam: “Hiện nay, các quy định của pháp luật và chế tài xử phạt đối với các doanh nghiệp trốn đóng hoặc chiếm dụng quỹ bảo hiểm vẫn chưa rõ ràng”.

Cụ thể: chưa có quy định nào về việc sẽ xử lý hình sự đối với tội danh chiếm dụng, trốn đóng quỹ bảo hiểm. Quy đinh về việc xử phạt hành chính với mức lãi suất gấp đôi so với lãi suất liên ngân hàng đối với hành vi chiếm dụng quỹ bảo hiểm đã có. Tuy nhiên, trên thực tế không thể xác định được lãi suất liên ngân hàng là bao nhiêu phần trăm nên không có cơ sở để xử phạt. Vì thế các doanh nghiệp đang đua nhau chiếm dụng quỹ bảo hiểm để làm vốn riêng cho mình, tình trạng trên khiến cả xã hội thiệt đơn lỗ kép trong khi doanh nghiệp phạm pháp ung dung hưởng lợi.

Bên cạnh đó, ông Lương Sơn cũng chỉ ra, đến nay còn tới 25% trong số 20 triệu học sinh, sinh viên trên cả nước chưa có bảo hiểm y tế; khoảng 50% hộ cận nghèo dù đã có chính sách nhà nước hỗ trợ nhưng vẫn không mua bảo hiểm y tế. Tổng hợp giữa 3 yếu tố doanh nghiệp trốn đóng hoặc chiếm dụng quỹ bảo hiểm với tình trạng học sinh, sinh viên chưa có bảo hiểm và người cần nghèo chưa tham gia bảo hiểm đang tạo nên một bức tranh phản diện đối với chính sách của nhà nước và sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong cuộc vận động nhằm tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân.

Để giải quyết những tồn tại trên, ông Lê Văn Khảm cho biết, trước mắt ngành y tế và bảo hiểm xã hội sẽ tập trung tuyên truyền vận động về tính ưu việt của bảo hiểm y tế đối với những hộ gia đình, cá nhân chưa tham gia bảo hiểm. Mặt khác, các ban ngành liên quan cũng sẽ tập trung tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong việc triển khai bảo hiểm y tế hộ gia đình; huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ 30% mức đóng còn lại cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo; đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra việc chấp hành chính sách pháp luật về bảo hiểm y tế tại các doanh nghiệp; xây dựng chỉ tiêu phát triển bảo hiểm y tế tại các cơ sở giáo dục.

Vân Sơn