Điều trị sỏi thận bằng vi khuẩn
(Dân trí) - Theo nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học, dùng vi khuẩn có lợi để điều trị bệnh sỏi thận sẽ là một phương pháp hiệu quả. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí American Society of Nephrology.
Thực tế cho thấy: Nếu cơ thể có vi khuẩn Oxalobacter formigenes thì nguy cơ bị sỏi thận giảm tới 70% so với những người không có loại vi khuẩn này trong cơ thể.
Sỏi thận là những khối cứng, nhỏ được tạo thành từ các chất thải trong nước tiểu với kích cỡ khá đa dạng, từ hạt cát cho đến hòn ngọc trai. Bề mặt sỏi có thể trơn hoặc nhám, chúng thường có màu vàng hoặc nâu. Sau khi hình thành, sỏi thận sẽ di chuyển trong khắp các phần khác nhau của cơ thể, nơi có nước tiểu đi qua. Chúng làm chậm lưu lượng nước tiểu, gây viêm nhiễm, đau đớn và thậm chí tổn thương thận.
Có tới 80% sỏi thận được cấu thành chủ yếu từ một chất gọi là calcium oxalate. Vi khuẩn Oxalobacter formigenes có khả năng phá huỷ chất oxalate có trong đường ruột và đây là loại vi khuẩn có trong cơ thể của phần lớn những người trưởng thành bình thường.
Giáo sư David Kaufma cho rằng: “Phát hiện của chúng tôi có tầm quan trọng về mặt y học. Khả năng sử dụng vi khuẩn có lợi để điều trị bệnh đang được bắt đầu nghiên cứu”.
Theo bác sỹ Derek Machin, chủ nhiệm khoa tiết niệu ĐH Aintree, việc điều trị những viên sỏi thận lớn hiện nay không phải lúc nào cũng hiệu quả triệt để, một số người vẫn phải chung sống với căn bệnh này suốt đời và trong vài trường hợp, sỏi thận còn làm hỏng chức năng thận trước khi được phát hiện.
Đỗ Dương
Theo BBC