Điều trị rám má

Sạm da, rám má thường xảy ra ở nữ giới ở độ tuổi 25-55. Nguyên nhân gây bệnh thường là biến loạn nội tiết ở những phụ nữ sau khi sinh, mổ đẻ, có thai, sau sẩy hoặc nạo hút thai, phẫu thuật cắt u xơ tử cung, cắt u nang buồng trứng.

Những phụ nữ mắc bệnh phụ khoa mạn tính như viêm phần phụ, viêm loét cổ tử cung, phụ nữ tiền mãn kinh… cũng thường mắc các chứng sạm da, rám má. Ngoài ra còn có nhiều nguyên nhân bệnh khác như nhiễm độc hay mắc các bệnh lý về thần kinh, gan, basedow, u tuyến thượng thận, tiếp xúc với ánh nắng mặt trời kéo dài... Nghiên cứu của Viện y học Lao động và Vệ sinh môi trường cho thấy, tỷ lệ sạm da, rám má ở những công nhân rải nhựa đường chiếm tới 24% và ở những công nhân xưởng luyện than là 54%. 

Y học đã nghiên cứu nhiều về chứng bệnh này và đưa ra các phương thức điều trị như dùng thuốc L.Cystine, salycyle 5%, kem Quinin, Leucodinin 10%. Blooming,… Viện Da liễu Trung ương cũng đã áp dụng kỹ thuật mới là dùng tia laser, kết quả còn hạn chế.

Gần đây, khoa Y học cổ truyền Bệnh viện Bạch Mai đã điều trị cho 60 bệnh nhân nữ độ tuổi 25-55 bị rám má bằng bài thuốc y học cổ truyền có tên là SDI. Bài thuốc này gồm các vị: kỷ tử, mạch môn đông, cát cánh, đương quy, bạch linh, cam thảo, tang bạch bì, thục địa, ngũ vị tử, cao ban long và cao quy bản. Bệnh nhân được dùng thuốc liên tục trong vòng 3-5 tháng, ngày uống 15 viên, chia làm ba lần. Kết quả là phần diện tích bị rám ở nhiều bệnh nhân đã giảm rõ rệt. Có 7 bệnh nhân đạt kết quả rất tốt, nghĩa là các vùng da bị rám đã sáng lại như bình thường. Những bệnh nhân dùng thuốc L-Cystine cho kết quả thấp hơn rất nhiều. Thuốc không gây tác dụng phụ, dễ sử dụng, giá cả hợp lý; nhưng không dùng được cho người mang thai.

Theo Thế Giới Phụ Nữ