Điều trị đục thủy tinh thể do tiểu đường ở trẻ em

(Dân trí) - Đục thủy tinh thể ở trẻ em là một trong những nguyên nhân gây mù lòa và giảm thị lực. Trong đó, đục thủy tinh thể bệnh lý bắt nguồn từ bệnh tiểu đường là rất phổ biến. Việc lựa chọn phương pháp điều trị bệnh này sao cho hiệu quả và phù hợp với trẻ là hết sức quan trọng.

Điều trị đục thủy tinh thể (ĐTTT) trẻ em không chỉ đơn thuần là phẫu thuật mà còn phải quan tâm tới thời điểm phẫu thuật, cách thức điều chỉnh quang học và luyện tập để phục hồi thị giác sau mổ.

 

Theo TS Lê Kim Xuân, các bậc làm cha làm mẹ phải chú ý nhất tới cách thức điều chỉnh quang học sau mổ với 4 phương pháp chính là: đeo kính gọng, dùng kính tiếp xúc, phẫu thuật đắp giác mạc và đặt thể thủy tinh nhân tạo.

 

Đeo kính gọng

 

Là phương pháp đơn giản nhất. Người ta dùng kính hội tụ có công suất khoảng +9 đến +12 đi-ốp cho trẻ mổ ĐTTT ngay sau khi mổ. Có thể dễ dàng thay đổi công suất kính để phù hợp với sự thay đổi khúc xạ khi trẻ lớn lên. Nhược điểm của phương pháp này là trẻ đeo kính sẽ có cảm giác choáng váng do kính phóng đại lớn hình ảnh lớn tới 30%, hình ảnh xó thể không thật.

 

Nếu trẻ chỉ bị ĐTTT một mắt, do sự chênh lệch kích thước hình ảnh ở hai mắt thì việc đeo kính là khó khăn. Hay trường hợp trẻ nhỏ dưới 3 tuổi bị ĐTTT cũng khó đeo được.

 

Kính tiếp xúc

 

Là một thấu kính hội tụ đặt trực tiếp lên giác mạc. Phương pháp này có ưu thế hơn phương pháp đeo kính gọng là có thể sử dụng ngay sau mổ ĐTTT ở một mắt. Hình ảnh chỉ phóng đại 10% và người sử dụng cũng dễ dàng đổi kính cho hợp với sự thay đổi khúc xạ. Nhất là về mặt thẩm mỹ thì đây là phương pháp được ưa chuộng hơn rất nhiều so với việc đeo kính quá dày.

 

Nhưng nhược điểm của phương pháp này cũng không ít. Trẻ em khó sử dụng, việc tháo lắp kính thường xuyên nếu không đúng cách dễ gây nhiễm trùng và làm tổn thương biểu mô giác mạc. Sử dụng phương pháp này, trẻ luôn luôn phải được sự theo dõi, chăm sóc cẩn thận của gia đình và cơ sở y tế. Đặc biệt lưu ý là trẻ hay làm mất kính, nếu không biết để thay ngay thì tỷ lệ điều trị thất bại khá cao.

 

Phẫu thuật đắp giác mạc

 

Là dùng một mảnh thấu kính sinh học (lấy từ giác mạc người) khâu vào mặt trước giác mạc của trẻ sau khi mổ ĐTTT. Đây là phương pháp khó thực hiện nhất.

 

Đặt thể thủy tinh nhân tạo

 

Là phương pháp sử dụng thủy tinh thể bằng chất liệu PMMA đặt vào vị trí thủy tinh thể tự nhiên. Đây là phương pháp điều chỉnh quang học tốt nhất, kích thước hình ảnh tạo ra ở võng mạc hầu như không tăng. Thủy tinh thể nhân tạo được đặt ở vị trí phẫu thuật, tạo điều kiện tốt để nâng cao thị lực và phục hồi thị giác cho trẻ.

 

Tất cả những phương pháp trên nếu được phối hợp với luyện tập mắt theo đúng hướng dẫn của bác sĩ đều có tác dụng điều chỉnh, hỗ trợ tốt sau khi mổ ĐTTT cho trẻ. Tuy nhiên, tránh các nguyên nhân khiến trẻ bị ĐTTT trong đó có tiểu đường mới là biện pháp tốt nhất.

 

Kiều Nga - Hồng Hải