Điều trị bỏng: 95,4% cơ sở y tế thiếu trang thiết bị cơ bản
(Dân trí) - Số liệu này được đưa ra tại Hội nghị tổng kết các hoạt động và kết quả của dự án “Phòng chống bỏng cho cộng đồng, tập trung vào đối tượng trẻ em và nhóm nguy cơ cao” do Tổ chức AIG và Quỹ châu Á tài trợ thông qua Viện bỏng Quốc gia.
Số liệu điều tra tại 40 tỉnh thành phố trên toàn quốc cho thấy: Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 800.000 - 850.000 bệnh nhân bỏng, chiếm khoảng 1% dân số.
Tuy nhiên, tỷ lệ bệnh nhân bỏng được thu dung điều trị tại các cơ sở y tế hiện chỉ hơn 200.000 bệnh nhân/năm, chiếm 1/4 tổng số bệnh nhân thực tế. Còn phần lớn người bệnh khi bị bỏng, vì không biết những thông tin về điều trị, cấp cứu… nên tự điều trị ở nhà hoặc nhờ thầy lang chữa bỏng.
Đáng chú ý, đó là kết quả điều tra về thực trạng của các tuyến y tế cơ sở đối với vấn đề dự phòng, sơ cứu, cấp cứu, vận chuyển và điều trị bỏng tại 200 cơ cở y tế tuyến xã, tuyến huyện. Có tới 89% cán bộ y tế không được đào tạo cơ bản về bỏng, 93% cơ sở không có tài liệu, sách hướng dẫn về điều trị dự phòng, sơ cứu, cấp cứu và điều trị cơ bản về bỏng. Hiện nay, ngoài Viện Bỏng quốc gia, toàn quốc chỉ có 8 bệnh viện có khoa bỏng, còn lại các giường bỏng thường nằm trong khoa ngoại chấn thương hoặc ngoại chung.
Tuy nhiên, cũng có một tín hiệu đáng mừng là dự án này đã thể hiện được hiệu quả rõ rệt trong việc tác động nhận thức của người dân, nhân viên y tế tuyến cơ sở về tác hại của bỏng cũng như cách sơ cứu, phòng cứu đúng.
Trước đây, theo thống kê của Viện Bỏng, có khoảng 80% bệnh nhân bỏng trước khi vào viện sơ cứu ban đầu sai. Hiện tại, trong 6 tháng đầu năm 2008, tỷ lệ bệnh nhân được sơ cứu, cấp cứu đúng sau bỏng tăng lên một cách rõ rệt, khoảng 72% số bệnh nhân được sơ cứu đúng.
Theo TS Nguyễn Viết Lượng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Viện bỏng Quốc gia, trong những tháng gần đâu số lượng bệnh nhân bỏng vào Viện Bỏng tăng lên đột ngột, đặc biệt là bệnh nhân bỏng thuộc 10 tỉnh miền núi phía Bắc. Tuy nhiên, nguyên nhân không phải do tình hình bệnh nhân bỏng tăng lên mà do số người dân biết được các thông tin về sơ cứu, cấp cứu và điều trị bỏng cũng như thông tin về các cơ sở y tế điều trị bỏng thông qua dự án, nên khi bị bỏng, thay vì tự điều trị ở nhà hay thầy lang, nhiều người đã tìm đến viện điều trị…
Tuy nhiên, để đáp ứng điều trị cho khoảng 850.000 bệnh nhân bỏng mỗi năm thì cơ sở y tế còn quá nhiều hạn chế. Có đến 95,4% cơ sở y tế thiếu trang thiết bị điều trị bỏng. Do đó thời gian tới, Bộ Y tế cần củng cố, xây dựng thêm các cơ sở chuyên khoa bỏng, trung tâm bỏng thuộc các bệnh viện lớn, nhất là ở những nơi mà tầm bao phủ của các trung tâm bỏng lớn hiện nay không đảm bảo được.
Hồng Hải