Điều trị bệnh hen, khó mà không khó

(Dân trí) - Hen là bệnh mạn tính, có ảnh hưởng rõ rệt đến chất lượng sống của người bệnh. Hưởng ứng ngày Hen toàn cầu diễn ra vào tháng 5 vừa qua do tổ chức Sáng kiến hen toàn cầu (Global Initiative Asthma - GINA) khởi xướng, chúng tôi đã có buổi phỏng vấn với PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan – Chủ tịch Hội Hen-Dị ứng-Miễn dịch lâm sàng TP.HCM, Phó Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam về các phương pháp điều trị bệnh hiệu quả.

Dù việc điều trị bệnh hen ngày càng được nâng cao, nhưng thực tế cho thấy chỉ có 39,7% bệnh nhân hen đang kiểm soát được bệnh. Vậy theo bác sĩ (BS), đâu là những khó khăn lớn nhất trong điều trị hen hiện nay?

Hiện nay đã có nhiều tiến bộ trong điều trị hen, như GINA vừa mới công bố, BS điều trị hen đã và đang không ngừng học tập nâng cao trình độ và tay nghề. Hội Hô hấp Tp.HCM, hội Hô hấp Việt Nam hay hội Hen – Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng Tp.HCM… cũng liên tục cập nhật kiến thức điều trị cho BS. Thuốc điều trị tiên tiến nhất đã có mặt tại VN và phương tiện chẩn đoán hen quan trọng là hô hấp ký đã được trang bị tại 189 đơn vị trên toàn quốc.

Tuy nhiên vẫn tồn tại rất nhiều khó khăn như bệnh nhân vùng sâu vùng xa chưa tiếp cận được các đơn vị quản lý hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (BPTNMT) đạt chuẩn. Thuốc điều trị hen tuyến cơ sở vẫn đang thiếu, chúng ta vẫn chưa có phác đồ quốc gia điều trị hen. Với cập nhật GINA 2019, tôi hy vọng Bộ Y tế hỗ trợ để hội Hô hấp Việt Nam, hội Phổi Việt Nam, hội Hen - Dị ứng - Miễn dịch Lâm sàng Tp.HCM viết phác đồ điều trị làm cơ sở pháp lý cho tất cả các bệnh viện tuyến cơ sở xin được thuốc hen cho bảo hiểm y tế (BHYT).

Chúng ta phải hiểu rằng hen là bệnh mạn tính có thể dẫn đến tử vong. Nhưng với điều kiện điều trị hen ngày nay rất tốt, nếu chúng ta không quản lý tốt để dẫn đến tử vong là một điều vô cùng đáng tiếc.

Điều trị bệnh hen, khó mà không khó - 1
Theo PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan, hen là bệnh mạn tính có thể dẫn đến tử vong. Nhưng với điều kiện điều trị hen ngày nay rất tốt, nếu chúng ta không quản lý tốt để dẫn đến tử vong là một điều vô cùng đáng tiếc.

Vì là bệnh viêm mạn tính đường hô hấp nên bệnh hen phải dùng thuốc ngừa cơn duy trì. Tuy nhiên đa số bệnh nhân vẫn rất lạm dụng thuốc cắt cơn vì thuốc này giúp giảm triệu chứng nhanh chóng nhưng sử dụng lâu dài sẽ làm tăng nguy cơ tử vong. Dù đã có khuyến cáo không nên lạm dụng thuốc cắt cơn nhưng vẫn đang tồn tại tình trạng này, BS có lời khuyên gì cho bệnh nhân để giảm lạm dụng thuốc cắt cơn?

Bệnh nhân điều trị hen cần sử dụng kết hợp 2 loại thuốc cắt cơn và ngừa cơn. Thuốc cắt cơn chỉ có tác dụng giảm triệu chứng (bệnh nhân xịt vào là dễ thở ngay lập tức) chứ không có tác dụng ngừa cơn. Trong khi thuốc điều trị của bệnh hen là corticoid, giúp kháng viêm lại có tác dụng chậm (45 phút). Hiện nay đã có thuốc là corticoid dạng hít kết hợp giữa cắt cơn và ngừa cơn, bệnh nhân chỉ cần hít vào vừa dễ thở mà lại vừa có tác dụng ngừa cơn đi kèm. Cập nhật GINA 2019 cũng ủng hộ phương pháp này vì theo GINA, bệnh nhân không được dùng thuốc cắt cơn đơn thuần, do họ nhận thấy dùng thuốc cắt cơn dễ tăng khả năng bị đợt cấp và nhiều bệnh nhân tử vong do dùng thuốc cắt cơn kéo dài.

Quay trở lại vấn đề điều trị và quản lý hen cho bệnh nhân ở vùng sâu vùng xa, BS có lời khuyên gì để họ được điều trị hiệu quả và sống vui khỏe với bệnh hen?

Lời khuyên của tôi với bệnh nhân là hãy mua BHYT. Ngoài ra, những chương trình mang tính cộng đồng như Vì Lá Phổi Khỏe do AstraZeneca khởi xướng cũng đã xây dựng được các phòng quản lý hen và BPTNMT đạt chuẩn tại các tỉnh, giúp tăng tiếp cận cho bệnh nhân ở tuyến cơ sở. Tại đây, bệnh nhân được hỗ trợ tầm soát vì họ không biết mình bị hen hoặc biết mà chưa được điều trị tốt. Sau khi tầm soát, bệnh nhân sẽ được phân bậc và hướng dẫn điều trị cũng như được tham gia các Câu lạc bộ bệnh nhân để liên tục được giáo dục và cập nhật kiến thức nhằm nâng cao chất lượng điều trị.

Điều trị bệnh hen, khó mà không khó - 2
Một buổi Đào tạo y khoa liên tục  trong chương trình Vì Lá Phổi Khỏe do Hội Hen – MIễn dịch – Dị ứng lâm sàng Tp.HCM phổi hợp với AstraZeneca Việt Nam thực hiện.

Chương trình “Vì Lá Phổi Khỏe” do AstraZeneca hợp tác với Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế triển khai với số tiền đầu tư lên đến 1 triệu đô-la Mỹ (2017 – 2020) nhằm nâng cao chất lượng quản lý ngoại trú cho các bệnh hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (BPTNMT) ở Việt Nam. Từ khi triển khai đến nay, chương trình đã xây dựng được 29 đơn vị quản lý Hen và BPTNMT, khám tầm soát cho 1800 bệnh nhân, tặng 19 máy hô hấp ký và 722 máy phun khí dung hỗ trợ cho BS trong điều trị và triển khai chương trình Đào tạo y khoa liên tục cho hơn 2500 BS.

Nhân ngày Hen toàn cầu, chương trình đã phối hợp với các bệnh viện và tổ chức y tế triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa cho bệnh nhân, tiêu biểu là khám sàng lọc cho 2110 bệnh nhân tại nhiều bệnh viện trung ương và địa phương. Tham khảo chương trình tại: http://vilaphoikhoe.kcb.vn/

Thảo Phương