Điệu nhảy sôi động và những nguy cơ

(Dân trí) - Những điệu nhảy sôi động, ấn tượng giờ không chỉ xuất hiện trong game, trên sàn diễn, mà có thể bắt gặp ở bất cứ trường học nào. Nhưng ẩn sau đó là những nguy hiểm nhất là với những bạn trẻ không học hỏi bài bản mà chỉ bắt chước theo chúng bạn.

Trào lưu “hip - hop”

 

“Những điệu nhảy mạnh mẽ nhưng rất khéo léo trên nền nhạc sôi động khiến bất cứ ai cũng muốn mình làm được như thế. Hơn nữa, người khác làm được, thì tại sao mình lại chịu thua?” - Đó là triết lý của Trung Kiên, trường ĐH Bách Khoa Hà Nội. Không có điều kiện học ở những điểm dạy nhảy chuyên nghiệp, Kiên vừa mày mò học theo chúng bạn, vừa mua đĩa nhạc về học nhảy theo.

 

Tất nhiên, mới chỉ thực hiện được vài động tác đơn giản nhưng Kiên cũng đã phải “trả giá” rất nhiều. Khi thì ngã gập tay đau điếng, lúc thì trật khớp, thâm tím cả tay chân… Kiên bảo như thế là nhẹ, chứ bạn của cậu còn bị gập cổ khi thực hiện động tác lộn cây chuối, xoay bằng đầu nhưng may mà chỉ phải nằm viện vài tuần.

 

Theo đánh giá của chuyên gia, nhảy hip – hop không có gì xấu vì vận động rất tốt cho sự phát triển thể chất của thanh niên. Thế nhưng, trào lưu “bắt chước” nhau tập không theo một bài bản nào nhiều khi lại phản tác dụng, để lại những tác hại nguy hiểm.

 

Cần học bài bản

 

BS Phúc khuyến cáo, với những môn thể dục thể thao mang tính vận động cao, những động tác khó, nguy hiểm, các bạn trẻ không nên bắt trước, học theo chúng bạn.

 

Học theo trình tự: từ đơn giản tới phức tạp và luôn có giáo viên hướng dẫn từng động tác, đảm bảo đúng kỹ thuật.

Sai một ly đi một dặm

 

Theo BS Trần Văn Phúc, bệnh viện Xanh Pôn, bất cứ môn thể thao nào ngoài mặt lợi đều có những mặt phản tác dụng. Đặc biệt, nhiều trò chơi, môn thể dục phải gắn với năng khiếu. Bởi ngay cả với những vận động viên chuyên nghiệp, khi thực hiện, chỉ sai một động tác có thể để lại hậu quả nặng nề, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Như trường hợp của vận động viên T.T.N bị chấn thương đốt sống cổ khi luyện tập cách đây vài năm

 

Với những người không được luyện tập bài bản, sẽ rất dễ bị các chấn thương phần mềm như giãn, đứt dây chằng khi quay cuồng trong điệu nhảy mạnh mẽ, sôi động. Nhiều khi những chấn thương đứt dây chằng, đứt cơ rất khó phát hiện, để lâu gây ảnh hưởng đến vận động cơ năng của cơ thể, tứ chi…  “Có trường hợp đã bị tổn thương và gây vôi hoá dây chằng, tiêu huỷ các ổ xương nhỏ khiến chân bị đau, không đi lại được phải phẫu thuật vì vẹo chân khi nhảy”, BS Phúc cho biết.

 

Theo BS Phúc, với những điệu nhảy dùng hai tay chống xuống đất nâng cơ thể rồi xoay có nguy cơ gây chấn thương xương như trật khớp, gãy xương rất cao. Các trường hợp bị trật khớp tay, chân, gãy xương gặp rất nhiều do vận động sai không đúng cách các môn từ võ thuật, arobic, nhảy hip - hop… Nếu những chấn thương khớp này không được phát hiện sớm, để lâu sẽ thành mãn tính, rất khó chữa trị.

 

Những động tác trồng cây chuối, xoay bằng đỉnh đầu có thể gây chấn thương sọ não, chấn thương cổ, chấn thương cột sống rất nguy hiểm. Đặc biệt, chấn thương cột sống có thể gây tổn thương tuỷ sống, trong trường hợp nặng và bị chèn ép lâu ngày mà không được phẫu thuật sẽ để lại hậu quả rất nặng nề, có thể gây liệt chân tay, rối loạn hô hấp, rối loạn tuần hoàn, thậm chí dẫn đến tử vong. Chấn thương cột sống cổ nặng, rất dễ bị liệt hoàn toàn. Ngoài ra, chấn thương nội tạng được xếp vào hàng cực kỳ nguy hiểm: vỡ gan, lá lách, thận, tuỵ, ống tiêu hoá…  

 

Cũng có thể gây ra những chấn thương vùng hàm, mặt gây biến dạng khuôn mặt, ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ.

Hồng Hải