Điều gì xảy ra khi người bị bệnh tự kỷ già đi?
(Dân trí) - Là một rối loạn tương đối mới nên chúng ta còn chưa biết nhiều về cách mà người bệnh tự kỷ đối phó với cuộc sống khi về già. Liệu lý thuyết cho rằng người bệnh sẽ ít gặp khó khăn hơn khi thời gian trôi qua đúng đến mức nào?
Nếu nói đến bệnh tự kỉ, hầu hết mọi người sẽ nghĩ đến trẻ em, nhưng tự kỉ là một chẩn đoán suốt đời. Trẻ em tự kỷ sẽ lớn lên thành người lớn tự kỷ.
Tuy nhiên, chúng ta mới chỉ biết rất ít về sự thay đổi của các triệu chứng theo tuổi tác bởi chứng bệnh này được mô tả lần đầu tiên vào năm 1943 và hiếm khi được xác định cho đến những năm 1970.
Do đó, từ những người đầu tiên được chẩn đoán chớm vào tuổi già, chúng ta mới có thể bắt đầu tìm hiểu liệu rối loạn này có thay đổi theo thời gian hay không.
Đã có một số gợi ý rằng các triệu chứng có thể giảm khi người bệnh già đi với ít khó khăn hơn. Nhưng có bao nhiêu bằng chứng về điều này? Nghiên cứu mới nhất dưới đây cung cấp một số câu trả lời, và cũng đặt ra một số câu hỏi mới.
Hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu chẩn đoán bệnh tự kỷ ở Southampton (Anh), các nhà nghiên cứu đã đánh giá 146 người lớn (18-74 tuổi) trong giai đoạn 2008 - 2015, và những người đồng ý tham gia vào nghiên cứu.
Kết quả là trong số này có 100 người có chẩn đoán bệnh tự kỷ. Những người được mô tả trong nghiên cứu không phải là điển hình của những người bị bệnh tự kỷ. Họ đều có khả năng nhận thức ở mức độ bình thường và không nhận được chẩn đoán trong thời thơ ấu, là lúc mà bệnh tự kỷ hay được phát hiện nhất.
Phân tích cho thấy tuổi và mức độ nặng của bệnh tự kỷ có liên quan với nhau; nghĩa là, khi tuổi tác tăng lên thì mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng tự kỷ trong các tình huống xã hội, giao tiếp và tư duy linh hoạt (như đối phó với sự thay đổi hoặc tạo ra những ý tưởng hoặc giải pháp mới) cũng tăng theo.
Những người lớn tuổi mắc chứng tự kỷ dễ rút ra các quy tắc từ những tình huống hoặc cấu trúc ưa thích (ví dụ, muốn biết các ủy ban được tổ chức như thế nào hoặc luôn thực hiện một việc theo một lối mòn như nhau) hơn người trẻ.
Mô hình này không xảy ra ở nhóm 46 người không có bệnh tự kỷ. Còn chưa rõ liệu xu hướng rút ra các qui tắc này là sự "xấu đi" của các triệu chứng tự kỷ hay là xu hướng chung của tất cả những người lớn tuổi.
Triệu chứng càng nặng càng chẩn đoán muộn
Các nhà nghiên cứu thấy rằng người lớn tuổi bị bệnh tự kỷ thực hiện tốt hơn một số bài kiểm tra nhận thức so với người trẻ tuổi mắc tự kỷ.
Nhóm có chẩn đoán tự kỷ thực hiện nhanh hơn các test đánh giá tốc độ tư duy trong một nhiệm vụ và xử lý tốt hơn thông tin thị giác và hình dạng. Có lẽ những khả năng này đã giúp người lớn tự kỷ phát triển các chiến lược trong cuộc sống giúp họ đối phó với các triệu chứng, có thể giải thích lý do tại sao họ đã không được chẩn đoán cho đến khi trưởng thành.
Khi so sánh nhóm tự kỷ với nhóm không tự kỷ, chúng tôi thấy rằng tỷ lệ trầm cảm và lo âu cao ở cả hai nhóm. Một phần ba số người lớn có chẩn đoán tự kỷ báo cáo mức độ trầm cảm hoặc lo âu cao – tỉ lệ cao hơn nhiều so với dân số nói chung.
Trầm cảm ở người lớn tuổi là một yếu tố nguy cơ phát triển các vấn đề về trí nhớ và nhận thức.
Với tỉ lệ trầm cảm cao ở những người mắc tự kỷ, có lẽ các bác sĩ cần theo dõi tâm trạng trong quá trình già đi để đảm bảo rằng người bệnh không có nguy cơ suy giảm nhận thức do trầm cảm.
Chưa rõ liệu người mắc tự kỷ có già đi theo cách giống như những người không mắc tự kỷ hay không – mới chỉ là những ngày đầu dựa trên độ tuổi tương đối của rối loạn này. Sự lão hóa cũng có thể khác nhau đối với từng người bệnh tự kỷ.
Trong tương lai, các nhà nghiên cứu muốn gặp gỡ người bệnh vài năm một lần để biết họ họ thay đổi theo thời gian như thế nào.
Cẩm Tú
Theo Independent