1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Điểm tâm “nặng” mới khỏe!

(Dân trí) - Bữa điểm tâm là bữa ăn “xóa đói” theo nguyên ngữ tiếng Anh: break(xóa), fast (đói), còn theo quan điểm y học và dinh dưỡng đây thật sự là bữa ăn quan trọng nhất đầu tiên cho cả ngày.

Đã có nhiều nghiên cứu cho thấy tầm quan trọng của bữa điểm tâm đối với cơ thể con người và câu kết luận chung: “Thức ăn là nhiên liệu, muốn học tập tốt, lao động tốt phải nạp nhiên liệu tốt ngay từ sáng sớm vì lúc này cơ thể đã đói, đã cạn nguồn sau cả nửa ngày không ăn”.

Nhiều nghiên cứu khác cho thấy sự liên hệ mật thiết giữa bữa ăn sáng tốt (healthy breakfast) với sự gia tăng sức khỏe, giảm ít bệnh mãn tính và giúp trường thọ. Theo nhiều nhà khoa học, một bữa điểm tâm tốt ít nhất cũng phải cung cấp được một phần ba năng lượng calo trong ngày và ăn điểm tâm đúng mức sẽ là tiền đề cho con người sảng khoái, tăng độ tập trung, tăng tính sáng tạo và tràn đầy cảm xúc yêu đời.

 

Điểm tâm “nặng” mới khỏe! - 1

Một trong những sai lầm rất lớn về dinh dưỡng là không coi trọng, thậm chí bỏ qua bữa điểm tâm đầu ngày; sai lầm này không chỉ có ở nước ta mà gặp cả ở những nước tiên tiến trên thế giới. Có quá nhiều lý lẽ để biện minh cho sai lầm này: nào là quá bận rộn, quá kẹt thời gian nên không thể chuẩn bị bữa ăn được hoặc ăn sáng ít sẽ giảm cân, tăng sức khỏe... Có người còn biện minh là “không thích ăn sáng” hay “không có nhu cầu cần thiết phải ăn”...

Theo Hội Tiết thực Hoa Kỳ (ADA), bữa ăn sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày; bữa điểm tâm không những mang lại năng lượng cần thiết để lao động, học tập mà còn giúp cơ thể kiểm soát duy trì cân trọng, thậm chí giảm cân vì nó sẽ làm giảm cảm giác đói và thèm ăn bù sau đó.

Vậy điểm tâm “nặng” thế nào cho đúng? Thử điểm qua bữa điểm tâm của một số nước, lãnh thổ trên khắp năm châu đều thấy một cái chung: bữa điểm tâm phải đủ thành phần trong ô vuông thức ăn, nghĩa là có bốn thành phần đường, đạm, béo, khoáng và vitamin. Các loại thức ăn sáng thông dụng ở Việt Nam chúng ta như cơm, xôi, bún, phở, mì, hủ tiếu, các loại trứng... đều rất đảm bảo tiêu chí dinh dưỡng này.

Bữa ăn sáng lưu ý hai điểm: một là không dùng nhiều thức ngọt (ăn, nước uống) trong buổi sáng vì nó tiêu hóa quá nhanh làm tăng đường máu gấp, nhưng lại không ổn định vì cơ thể sẽ thiếu năng lượng ngay 2-3 giờ sau đó; hai là phải đảm bảo đủ thành phần đạm (thịt) và chất xơ trong bữa sáng vì chính chất đạm và xơ sẽ tạo cảm giác no cho đến buổi ăn trưa.   

TS.BS Trần Bá Thoại

Ủy viên BCH Hội Nội tiết Việt Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm