1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Dịch tả, thương hàn dễ bùng phát ở Hà Nội

(Dân trí) - Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc sở Y tế lo ngại những ổ dịch tả ở Hoàng Mai dễ bùng phát trở lại, bởi khu vực này đang trong tình trạng tràn ngập nước bẩn và rác thải.

Bệnh dịch bủa vây dân vùng lũ lụt

Buổi kiểm tra trực tiếp tại quận Hoàng Mai, do Sở Y tế và UBND TP tiến hành đã cho thấy, gần 500 hộ dân thuộc quận này vẫn phải chịu đựng cảnh ngập lụt, ô nhiễm nặng nề. Họ đang sống cảnh “3 không”: không nước sạch, không điện, không nấu ăn. Điều đáng lo là nếu tiếp tục có mưa, đúng theo dự báo từ Trung tâm khí tượng thuỷ văn, thì không biết đến bao giờ người dân nơi đây mới thoát khỏi cảnh bị cô lập trong ngập úng.

Theo báo cáo của quận Hoàng Mai, hiện người dân đã được đã cấp Cloramin B để xử lý nguồn nước sinh hoạt. Hàng nghìn tờ rơi hướng dẫn phòng chống dịch bệnh cũng được phát đến từng nhà...

Lực lượng sinh viên, thanh niên tình nguyện... đã được huy động tham gia vệ sinh môi trường.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Tuấn, với nguồn nước bẩn đang bao vây người dân hiện nay, rất dễ bùng phát dịch tả và thương hàn, bởi Hoàng Mai là một trong những ổ dịch cũ trong đợt dịch tả trước.
 
Nỗi lo tương tự cũng đang đặt ra đối với người dân vùng bị lũ lụt và những ổ dịch cũ ở  Hà Tây

Tự bảo vệ mình

Ông Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đưa ra khuyến cáo: vấn đề tự giữ vệ sinh, tuân thủ quy định “ăn chín, uống sôi” là tối cần thiết trong tình hình hiện nay.

Sở Y tế Hà Nội cũng đã  hướng dẫn cụ thể để nguời dân đề phòng các loại bệnh dịch có thể xảy ra trong và sau khi nước ngập như:

Viêm kết mạc (hay còn gọi là bệnh đau mắt đỏ): Thường gặp quanh năm nhưng thường phát thành dịch vào mùa hè và sau mùa lũ lụt.

Triệu chứng: bệnh nhân có cảm giác cộm, nóng rát trong mắt kiểu như: “có hạt cát trong mắt”, “sợ ánh sáng, chảy nước mắt ở mức độ nhiều hoặc ít”. Tuy nhiên không ảnh hưởng đến thị lực. Khi bị đau mắt đỏ sẽ có dử mắt (hay còn gọi là ghèn) có màu vàng hoặc màu xanh thậm chí mầu nâu vì lẫn máu, chất này đọng thành cục, thành đám rất quánh, dính, có hình thành sợi dài, dai, có khi có mủ thường đọng ở hai góc mắt làm bệnh lây lan rất nhanh. Nếu đã mắc, sẽ diễn biến 5-10 ngày nếu được điều trị đúng và vệ sinh cá nhân tốt thì sẽ nhanh phục hồi. Điều cần thiết nhất khi bị đau mắt đỏ là không được dùng khăn chậu chung, hạn chế tiếp xúc; đặc biệt không đi tắm ở bể bơi công cộng, khăn rửa mặt phải được giặt bằng xà phòng và phơi ra nắng.

Tuyệt đối không được tự tra thuốc không có sự hướng dẫn của thầy thuốc và nhất là không tra thuốc có thành phần Corticoit như Polydexa, Dexamethason…

Những người chưa bị bệnh nên dùng thuốc phòng như Cloroxit 0,4%, ngày tra 4 lần và hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh .

Các bệnh ngoài da do nước: Do tiếp xúc liên tục với nguồn nước và môi trường sống bị ô nhiễm.

Phòng bệnh: Không tắm gội và giặt quần áo bằng nước bẩn. Nếu không có nước giếng đã khử trùng thì phải đánh phèn hoặc lọc cát cho trong nước để tắm giặt. Không mặc quần áo ẩm ướt. Trong khi đang có lũ lụt không để trẻ em chơi đùa trong nước ngập, vì không chỉ gây bệnh ngoài da mà trẻ rất dễ uống phải nước nước rất bẩn, dễ gây tiêu chảy. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc với nguồn nước úng ngập nên dùng ủng. Nếu tiếp xúc trực tiếp cần rửa ngay bằng xà phòng với nước sạch rồi lau khô, nhất là các kẽ ngón chân, tay.

Các bệnh đường tiêu hóa và bệnh do côn trùng truyền: Thực hiện đúng nguyên tắc “Ăn chín, uống sôi”, che đậy kín thức ăn. Rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Không nên ăn rau sống, tiết canh. Đây là những thức ăn rất dễ gây ra bệnh tả, lị, thương hàn...

P. Thanh