1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Dịch sốt xuất huyết bùng phát dữ dội

Châu Thành là nơi dịch sốt xuất huyết (SXH) đang bùng phát dữ dội nhất tỉnh Tiền Giang với hơn 700 người mắc bệnh.

Mặc dù là ngày nghỉ và trời mưa tầm tã nhưng vẫn có hơn 100 trẻ được cha mẹ chở tới BV Đa khoa huyện Châu Thành vì bị sốt cao. Phòng cấp cứu có gần chục trẻ sốt cao, co giật.

 

Cuối tuần qua cháu M.T.Đ., 4 tuổi, ở ấp Thân Đạo, xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành (Tiền Giang) tử vong tại Bệnh viện (BV) Đa khoa trung tâm Tiền Giang do bệnh sốt xuất huyết (SXH).

 

90% trẻ nhập viện do SXH

 

Bác sĩ (BS) Võ Thành Nam, trưởng khoa nhi, cho biết khoa chỉ có 16 giường bệnh nhưng từ đầu tháng 6/2007 do bệnh nhân nhập viện quá nhiều nên phải kê thêm 42 giường và phải bố trí 2-3 trẻ/giường mới đủ chỗ. 90% trong số này bị bệnh SXH. Mỗi ngày khoa nhi cho xuất viện khoảng 30 trường hợp, nhưng chỉ vài giờ sau số trẻ nhập viện mới bằng hoặc nhiều hơn số xuất viện.

 

Theo BS Võ Kim Hà - phó giám đốc BV, hiện đã có 24/25 xã, thị trấn của huyện Châu Thành có bệnh SXH. “Trong lúc dịch SXH đang hoành hành mà máy xét nghiệm huyết học của BV lại bị hư. Sở Y tế mới chi viện cho máy khác nhưng cũng bị quá tải” - BS Hà nói.

 

10h30, vừa ẵm con gái Trần Thị Thúy Diễm ra khỏi phòng xét nghiệm, chị Nguyễn Thị Thơi than thở: “Chờ từ hồi 8g tới bây giờ mới được lấy máu xét nghiệm. Chưa biết lúc nào mới có kết quả nữa. Cháu bị sốt bốn ngày rồi, lo quá!”.

 

Hai mẹ con ngồi bệt xuống đất chờ... 11h30, vẫn còn nhiều trẻ chờ lấy máu xét nghiệm. Nhiều bà mẹ ẵm con sốt ruột đi tới đi lui trước phòng xét nghiệm chờ kết quả. Các BS, kỹ thuật viên phòng khám và phòng xét nghiệm vẫn làm việc cật lực.

 

Còn tại BV đa khoa Nguyễn Đình Chiểu (Bến Tre) ngày 24/6 có 80 bệnh nhân SXH điều trị nội trú và hàng chục người khác được chỉ định theo dõi sát SXH. BS Trương Hữu Nhân, phó giám đốc BV, cho biết hơn một tuần nay SXH bùng phát dữ dội. Trước đó, trung bình mỗi ngày có 20-30 bệnh nhân SXH điều trị nội trú, nhưng hiện số bệnh nhân nhập viện tăng gấp ba lần, chủ yếu là trẻ em. Điều đáng lo là có tới 20 trẻ bị SXH độ III và độ IV. 

 

Trước tình hình đó, BV Nguyễn Đình Chiểu đã khẩn cấp đề nghị UBND tỉnh chi 1,2 tỉ đồng mua sắm thêm trang thiết bị, thuốc men; đồng thời lên kế hoạch thành lập thêm khoa SXH, xin tăng cường nhân lực từ các địa phương, các bộ phận hành chính cho khoa này. BS Nguyễn Hữu Sinh, giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Bến Tre, cho biết đến nay toàn tỉnh Bến Tre đã có gần 1.200 người mắc bệnh SXH.

 

Dân vẫn... vô tư

 

Xã Tam Hiệp (huyện Châu Thành, Tiền Giang) đã có gần 200 trẻ mắc bệnh SXH, nhưng hầu hết những gia đình chúng tôi đến đều tỏ ra bình thản. Nhà chị Nguyễn Thị Quyền (ở ấp 5) có bốn trẻ nhỏ. Sáu cái lu nước sau nhà lăng quăng lúc nhúc, trong nhà muỗi bay vo ve.

 

Chị vô tư: “Mấy bữa trước có xe chạy qua xịt muỗi rồi. Xóm này chưa nghe nói có đứa nào bị bệnh SXH hết, lo gì!”. Tại nhà chị Nguyễn Thị Ánh Hồng ở gần đó, chúng tôi thấy một trong ba đứa trẻ chơi trước nhà vô tư cởi trần...! “Tụi nhỏ không quen mặc quần áo dài tay” - chị Hồng giải thích.

 

BS Trần Thị Phương, phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Tiền Giang, than thở: “Toàn tỉnh đã có hơn 2.700 người mắc bệnh SXH, ba người chết rồi nhưng nhiều người dân vẫn rất chủ quan, chỉ trông chờ ngành y tế phun hóa chất diệt muỗi.

 

Hiện nay mật độ muỗi và lăng quăng trong cộng đồng rất cao, diễn biến bệnh SXH tới đây sẽ còn rất phức tạp”. BS Nguyễn Hữu Sinh cũng cho biết hiện ông rất lo vì người dân tỉnh này rất thờ ơ trong công tác phòng chống SXH.       

 

Theo Vân Trường
Tuổi Trẻ