TPHCM:

Dịch sởi, tay chân miệng tiếp tục tăng “nóng”

(Dân trí) - Dịch bệnh đang diễn biến phức tạp khi số trẻ mắc sởi, tay chân miệng trong tuần qua tiếp tục tăng cao. Bác sĩ khuyến cáo để tránh nguy hiểm đến tính mạng con trẻ, phụ huynh cần chủ động theo dõi, phát hiện, đưa trẻ đến bệnh viện khi có những biểu hiện nặng.

Bệnh tay chân miệng và sởi đang tăng đột biến

Ngày 8/10, Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố cho biết, dù đã nỗ lực phối hợp truyền thông, phòng chống nhưng tuần qua số bệnh nhân tay chân miệng và, sởi tiếp tục gia tăng.

Bệnh sởi ghi nhận thêm 25 ca mắc mới, tổng số ca mắc sởi từ đầu năm đến nay đã lên tới 143 trường hợp (năm 2017 không có ca sởi nào).

Bệnh tay chân miệng tuần qua có thêm 397 ca, tăng 34% so với trung bình của 4 tuần trước. Tổng số ca mắc bệnh ghi nhận từ đầu năm đến nay là 4.066 ca.

Tuần qua thành phố có thêm 25 trường hợp mới mắc sởi phải nhập viện điều trị
Tuần qua thành phố có thêm 25 trường hợp mới mắc sởi phải nhập viện điều trị

Dự báo, thời gian tới nếu không có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành y tế, ngành giáo dục, chính quyền các cấp và người dân dịch bệnh sẽ còn diễn biến khó lường, nguy cơ tấn công tất cả các trẻ nhỏ chưa được miễn dịch trong cộng đồng.

Bệnh nhân tăng cao đang gây áp lực quá tải rất lớn cho các bệnh viện, y bác sĩ phải vắt kiệt sức chăm sóc, điều trị cho bệnh nhi, giường bệnh, băng ca được kê thêm nhưng các bệnh viện nhi vẫn không đủ đáp ứng, trẻ phải nằm ghép, nằm sàn nhà, hành lang là thực tế đang diễn ra.

BS Trương Hữu Khanh thăm khám cho bệnh nhi mắc tay chân miệng
BS Trương Hữu Khanh thăm khám cho bệnh nhi mắc tay chân miệng

Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, điểm nóng điều trị bệnh truyền nhiễm ngoài việc đề nghị nhân viên không nghỉ phép, tăng ca, huy động sinh viên thực tập hỗ trợ, bệnh viện đã cải tạo căn tin (trước đây dành cho thân nhân và nhân viên bệnh viện) trên cơ sở chuyển đổi công năng thành phòng bệnh. Giường bệnh của bệnh viện và từ bệnh viện khác được huy động để tăng thêm khu điều trị cho bệnh nhi.

BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, bệnh viện Nhi đồng 1 khuyến cáo: Việc phòng bệnh truyền nhiễm chủ yếu thông qua ý thức giữ gìn vệ sinh của trẻ và của người chăm sóc trẻ như: Rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng, vệ sinh hàng ngày và khử khuẩn hàng tuần vật dụng, đồ chơi của trẻ.

Khu căn tin được cải tạo, chuyển đổi công năng thành phòng điều trị bệnh
Khu căn tin được cải tạo, chuyển đổi công năng thành phòng điều trị bệnh

Sởi là bệnh lây qua đường hô hấp nên cần phải có ý thức dùng khăn giấy che mũi miệng khi hắt hơi, bỏ khăn sau khi sử dụng vào thùng rác; những trẻ có biểu hiện sốt, ho, mắt đỏ, phát ban cần đưa đến khám tại các cơ sở y tế; bệnh sởi đã có vắc xin chủng ngừa, trẻ từ 9 tháng tuổi cần được tiêm đầy đủ theo lịch tiêm chủng mở rộng.

Với bệnh tay chân miệng khoảng 80% trẻ mắc ở thể nhẹ, có thể chăm sóc và điều trị tại nhà. Tuy nhiên cha mẹ và người chăm sóc cần theo dõi sát tình trạng bệnh của trẻ, nếu phát hiện các dấu hiệu trở nặng như: giật mình, đi đứng loạng choạng, yếu liệt... phải đưa trẻ đến các bệnh viện để được điều trị kịp thời.

Bộ Y tế khuyến cáo phòng bệnh tay chân miệng

Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

- Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

​- Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

​- Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

​- Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu.

​- Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

Vân Sơn – Nguyễn Quang