Dịch sởi ở người lớn: "Người dân không nên hoang mang!"

(Dân trí) - Đây là nhận định của TS Nguyễn Văn Bình, Cục phó Cục Y tế dự phòng và môi trường (Bộ Y tế) trước sự lo ngại về hiện tượng dịch sởi bùng phát trên diện rộng ở người lớn.

Theo TS Bình, dịch sởi đang xảy ra trên người lớn hiện nay không có gì là bất thường. Sởi vốn là bệnh hay gặp ở trẻ nhỏ nhiều hơn người lớn vì trẻ có miễn dịch yếu hơn. Nhưng từ 1982 đến nay, do sởi được đưa vào tiêm chủng mở rộng, tỷ lệ trẻ được tiêm đầy đủ đạt tỉ lệ cao.. Nhất là từ năm 2006, Việt Nam đã thí điểm thực hiện tiêm chủng sởi nhắc lại mũi 2 cho trẻ ở lứa tuổi học lớp 1 ở Đà Nẵng và Yên Bái. Còn từ năm 2008 đã triển khai trên toàn quốc nên số trẻ bị mắc sởi ngày càng giảm xuống.
 
Dịch sởi ở người lớn: "Người dân không nên hoang mang!" - 1
Nhiều người lớn mắc bệnh sởi do tiêm chủng đã lâu (Ảnh: H.Hải)

Sởi là bệnh có thể tấn công mọi đối tượng, từ trẻ em và người lớn nếu chưa có miễn dịch. Trong đợt dịch lần này, bệnh sởi gặp nhiều nhất ở lứa tuổi 28 - 40. Theo các chuyên gia, có thể, đây là là những đối tượng chưa được tiêm chủng đầy đủ, tiêm sởi đã lâu không được nhắc lại khiến miễn dịch kém nên dễ mắc. Trong khi đó, việc tiêm một mũi vắc xin sởi chỉ phát huy hiệu quả trong một thời gian nhất định. Càng lâu sau tiêm, miễn dịch càng suy giảm, nên càng dễ mắc bệnh hơn. Vì thế, không có gì là bất thường khi dịch xảy ra ở người lớn.

Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng đã có công văn chỉ đạo Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư tăng cường giám sát dịch tễ các trường hợp; nghiên cứu phân lập vi rút gây bệnh sởi xem có biến đổi bất thường hay không; đồng thời chỉ đạo Sở Y tế các địa phương giám sát dịch, báo cáo ngay về Bộ diễn tiến tình hình dịch bệnh sởi tại địa phương.

“Người dân cũng không nên hoang mang, lo lắng trước dịch bệnh, vì tuy dễ lây nhưng cũng có thể kiểm soát dịch bệnh này bằng cách chủ động tiêm vắc xin. Nếu chưa từng mắc sởi và chưa tiêm phòng thì nên đi tiêm. Nếu mới tiêm một mũi, thời gian tiêm đã quá lâu cũng nên tiêm nhắc lại. Cho trẻ đi tiêm nhắc lại mũi 2 đúng lịch, vì nếu để mũi 1 cách mũi hai quá 6 năm thì hệ miễn dịch giảm, việc phòng ngừa sẽ không đạt hiệu quả cao.
 
Bệnh này vốn lây qua đường hô hấp, vì thế, hãy thường xuyên rửa tay xà phòng, dùng các nước sát trùng mũi họng, đeo khẩu trang khi đi ra ngoài đường… sẽ giảm được nguy cơ mắc sởi”, TS Bình khuyến cáo.

Hồng Hải 

Dòng sự kiện: Dịch Sởi ở HN