Dịch lợn “tai xanh” đang hoành hành dữ dội

(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cảnh báo: "Bệnh tai xanh ở lợn cũng đang có chiều hướng lây lan trên diện rộng. Nhiều nơi đã xuất hiện tình trạng "chạy bán" gia súc, dẫn đến nguy cơ làm lây lan dịch bệnh sang các địa phương khác.

Dịch bệnh nguy hiển này đã gây thiệt hại lớn cho địa phương có dịch. Riêng tại Hà Tĩnh đã có 10 xã thuộc 3 huyện, thành phố (Cẩm Xuyên, Thạch Hà, thành phố Hà Tĩnh) với 3.040 lợn mắc bệnh, chết 545 con.

Nhằm đối phó với tình hình dịch bệnh gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi này, ngày 1/4 Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Cao Đức Phát vừa có công điện khẩn yêu cầu các địa phương trên toàn quốc có ngay các biện pháp cấp bách phòng chống bệnh tai xanh.

Bộ trưởng yêu cầu các địa phương trên cả nước, đặc biệt là những tỉnh lân cận với Hà Tĩnh như Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình… triệt để thực hiện việc thiết lập các trạm, chốt tại các đầu mối giao thông chính, hoạt động 24/24 giờ kiểm soát việc vận chuyển lợn, sản phẩm lợn đưa vào tỉnh, tiêu hủy và xử phạt trường hợp vận chuyển lợn, sản phẩm lợn trái phép. Khi phát hiện gia súc có dấu hiệu của bệnh “tai xanh” thì phải tổ chức bao vây, khoanh vùng, lấy mẫu xét nghiệm trước khi tiêu hủy toàn bộ gia súc mắc bệnh ngay từ khi số lượng còn ít.

Về dịch LMLM, ông Bùi Quang Anh, Cục trưởng Cục Thú ý cho hay: "Dịch vẫn đang hoành hành ở 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Hiện đã có 14 con trâu, bò mắc bệnh bị tiêu huỷ".

Về dịch cúm gia cầm, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng cho biết: "Vừa có thêm thêm 60 triệu liều vắc xin cúm gia cầm được nhập về nhằm bổ sung cho các tỉnh đang có dịch tái phát.

20 triệu liều vắc xin do Tổ chức Thú y thế giới (OIE) mới viện trợ cũng đã được chuyển tới các địa phương theo kế hoạch.

Vấn đế vắc xin đã được Chính phủ cung cấp khá đầy đủ. Nhưng qua kiểm tra thực tế tại một số địa phương, thanh tra Chính phủ đã phát hiện nhiều địa phương áp dụng kiểu chống dịch “công chức”. Cụ thể, tại tỉnh Điện Biên, đoàn cán bộ do Bộ Tài chính dẫn đầu đã phát hiện cán bộ Thú y tỉnh này thay vì trách nhiệm phải mang vắc xin xuống tận địa bàn tiêm cho đàn gia cầm thì lại yêu cầu người dân mang gia cầm lên địa điểm cố định để tiêm phòng. Yêu cầu cốt phục vụ sự nhàn hạ cho cán bộ Thú ý đã dẫn đến hậu quả nhiều hộ chăn nuôi cả trăm con gia cầm nhưng chỉ mang được vài chục con đến tiêm lấy lệ. Số cán bộ này đã bị khiển trách, kỷ luật theo quy định.

Cục Thú y cũng cho biết đang khẩn trương soạn thảo dự thảo điều chỉnh mức hỗ trợ tiêu hủy gia cầm bị dịch để trình Thủ tướng phê duyệt vào tuần tới.

P. Thanh