Dịch Ebola lui dần, nhưng vẫn cần cảnh giác

(Dân trí) - Sierra Leone đã dỡ bỏ các biện pháp kiểm dịch được áp dụng trong thời gian đỉnh điểm của dịch Ebola, trong khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo cuộc khủng hoảng vẫn “cực kỳ đáng báo động” mặc dù số ca nhiễm mới đang giảm

Sierra Leone - quốc gia Tây Phi với 6 triệu dân, đã hạn chế đi lại đối với khoảng nột nửa dân số, phong tỏa 6 trong số 11 huyện và nhiều khu vực để đối phó với vụ dịch đã giết chết hơn 3.000 người.

"Việc hạn chế đi lại sẽ được nới lỏng để phục vụ các hoạt động kinh tế. Theo đó, sẽ không còn bất kỳ huyết hoặc khu vực nào bị hạn chế đi lại nữa," Tổng thống Ernest Bai Koroma cho biết hôm thứ Năm tuần trước.

Số liệu cho thấy tuần qua Sierra Leone có 117 trường hợp nhiễm mới, so với 184 trường hợp tuần trước, song WHO cho biết miền tây nước này vẫn là nơi có vấn đề.

Sierra Leone đang phấn đấu đến 31/3 năm nay sẽ không còn ca nhiễm mới. Nước này cũng tuyên bố sẽ chấm dứt việc chi trả “phụ cấp độc hại” cho các nhân viên y tế đang đối phó với Ebola và mở cửa lại các trường học, với việc giảng dạy dự kiến sẽ bắt đầu trở lại vào tuần thứ 3 của tháng Ba.

Liberia, đã từng đạt kỷ lục trên 300 trường hợp nhiễm mới mỗi tuần hồi tháng 8 và 9, chỉ còn ghi nhận 8 ca trong tuần qua, trong khi đó chỉ có 20 ca bệnh được xác nhận ở Guinea trong tuần quan so với 45 ca bệnh ở tuần trước đó.

Theo số liệu mới cập nhật của WHO, đã có 8.688 người chết trong vụ dịch này trong tổng số 21.759 ca bệnh.

Tuy nhiên, WHO cảnh báo tình hình vẫn “rất nguy hiểm” bởi mùa mưa đang tới gần và sẽ khiến cho việc đối phó với dịch bệnh trở nên phức tạp hơn nhiều.

Tổng thống Koroma cũng tán thành với quan điểm này và đảm bảo rằng cuộc khủng hoảng sẽ không được xem là đã chấm dứt cho đến khi cả 3 nước không còn ghi nhận ca bệnh mới trong 42 ngày.

Vi
rút Ebola biến đổi, thuốc điều trị “gặp khó”

Vi rút Ebola biến đổi, thuốc điều trị “gặp khó”

Vi rút Ebola thay đổi theo thời gian, và những đột biến di truyền mới đã xuất hiện trong 4 thập kỷ qua có thể gây trở ngại cho các thuốc thử nghiệm đang được một số công ty dược phát triển.

Cho mãi tới gần đây, các công ty dược vẫn rất miễn cưỡng trong việc đầu tư vào thuốc điều trị Ebola, vì ít thấy khả năng sinh lợi từ việc điều trị một vi rút thường chỉ xuất hiện rải rác ở châu Phi. Tuy hiện nay một số thuốc đang được tích cực triển khai, song chúng đã phát triển từ một thập kỷ trước, dựa trên những chủng Ebola được xác định khi vi rút xuất hiện lần đầu những năm 1970.

Một số những thuốc triển vọng nhất gắn và nhằm vào một đoạn trong chuỗi gen của vi rút. Vì các vi rút đột biến tự nhiên theo thời gian, nên các thuốc có thể sẽ không tác dụng tốt như hy vọng, bài báo trên tờ mBio cho biết.

Các nhà nghiên cứu từ USAMRIID, Đại học Harvard và Viện Công nghệ Massachusetts thấy rằng khoảng 3% bộ gen của chủng vi rút Ebola hiện nay ở Tây Phi chứa những thay đổi có tên là các đa hình thái nucleotide, hay SNPs, khi so sánh với các biến thể Ebola khác gây dịch năm 1976 và 1995.

Họ cũng phát hiện được 10 đột biến mới có thể cản trở hoạt động của các thuốc kháng thể đơn dòng, siRNA (small-interfering RNA), hoặc PMO (phosphorodiamidate morpholino oligomer) hiện đang được thử nghiệm.

3 trong số 10 đột biến đã xuất hiện trong vụ dịch lần này, xảy ra chủ yếu ở Guinea, Sierra Leone và Liberia. Các nhà nghiên cứu kêu gọi các công ty phát triển thuốc kiểm tra xem liệu những đột biến mà họ phát hiện được có ảnh hưởng tới thuốc đang thử nghiệm hay không.

Vắc xin Ebola an toàn cho người

Các kết quả ban đầu từ thử nghiệm lâm sàng vắc xin Ebola cho thấy vắc xin an toàn cho người.

Vắc xin do hãng GlaxoSmithKline (GSK) và Viện Y tế quốc gia (NIH) Mỹ phát triển cũng tạo được đáp ứng miễn dịch chống Ebola, theo như kết quả bước đầu từ thử nghiệm đang được tiến hành tại trường Đại học Oxford.

Kết quả dựa trên 60 người tình nguyện khỏe mạnh đã được tiêm vắc xin từ tháng 9 đến tháng 11. Tất cả 3 liều đều được đánh giá là an toàn. Các đối tượng được theo dõi trong 6 tháng sau khi tiêm để xem có tác dụng phụ nào xảy ra không.

Vắc xin không chứa vi rút Ebola gây nhiễm, vì thế nó không thể gây bệnh ở người được tiêm.

Lượng kháng thể chống vi rút Ebola tăng trong thời gian 28 ngày sau tiêm, và không có sự khác biệt đáng kể theo liều.

Đáp ứng kháng thể trong nghiên cứu Oxford thấp hơn so với báo cáo của các nhà nghiên cứu Mỹ hồi cuối tháng 11, sau một thử nghiệm trên 20 người tình nguyện tại Viện Y tế quốc gia Mỹ, sử dụng vắc xin dự tuyển GSK/NIH hai giá, gồm gen của vi rút Ebola Zaire, và gen của vi rút Sudan.

Tuy nhiên, loại vắc xin sẽ đưa vào thử nghiệm qui mô lớn ở châu Phi là vắc xin dự tuyển GSK/NIH đơn giá, là loại đang được thử nghiệm tại Đại học Oxford và một số nơi khác.

Vẫn chưa rõ cần mức độ đáp ứng miễn dịch như thế nào để bảo vệ được con người trước vi rút Ebola.

Hãng dược phẩm Anh GSK đã vận chuyển thêm hàng nghìn liều vắc xin tới Liberia, nơi một thử nghiệm ngẫu hóa gồm tới 27.000 người, bao gồm các nhân viên y tế, dự kiến sẽ sớm bắt đầu.

Thử nghiệm tại Đại học Oxford là một trong nhiều thử nghiệm về độ an toàn của vắc xin dự tuyển GSK/NIH, những thử nghiệm khác ở Mỹ, Anh, Mali và Thụy Sĩ đã được thông qua nhanh chóng do vụ dịch hiện nay ở Tây Phi đã giết chết hơn 8.600 người kể từ cuối năm 2013.

Hiện trên thị trường chưa có vắc xin cũng như thuốc để điều trị căn bệnh này, mặc dù vi rút được phát hiện từ những năm 1970.

Cẩm Tú

(Tổng hợp)