1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Dịch bệnh tại TPHCM năm 2008: Y tế không dự phòng nổi

Giữa tháng 12, nhưng dịch sốt xuất huyết vẫn còn dây dưa, bệnh tay chân miệng hoành hành ở một số tỉnh có thể đổ về TP.HCM, bệnh thuỷ đậu và rubella đang vào mùa, viêm màng não mũ do Hib tăng cao... Dự báo một năm mới khó khăn cho người dân thành phố về dịch bệnh.

Rối nhân sự, tổ chức

 

Giữa năm nay, khi những lùm xùm tại sở Y tế TPHCM được báo chí đề cập, BS Phan Văn Nghiệm, trưởng phòng nghiệp vụ y sở Y tế, nói: “Với tình hình này, các cán bộ - nhân viên y tế sẽ hoang mang, chỉ đạo từ trên không còn tập trung, ở dưới hoạt động không hiệu quả, chắc chắn dịch bệnh sẽ bùng phát và lúc đó người dân sẽ lãnh đủ”.

 

Dù có người tranh cãi về ý kiến trên, nhưng phải thừa nhận sự thiếu đoàn kết về nhân sự đã ít nhiều dẫn đến công tác phòng chống dịch. Tại buổi giao ban y tế quận, huyện ngày 12/12, ghi nhận mới nhất cho thấy số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn giảm 50%, 250 ca/tuần thay vì 400 - 450 ca/tuần vào lúc cao điểm. tương tự, bệnh tay chân miệng giảm từ 150 ca/tuần còn 70 – 80 ca/tuần. Nhưng đáng nói là năm trước tính đến tháng 11 TPHCM đã cơ bản không còn sốt xuất huyết. Theo BS Lê Trường Giang, phó giám đốc sở Y tế thành phố, nỗ lực của con người không đủ sức dập dịch, với đuôi dịch vẫn còn như hiện nay, dự báo tình hình sốt xuất huyết năm 2008 sẽ khó khăn.

 

Bệnh tay chân miệng ở thành phố có giảm, nhưng ở Đồng Tháp, Kiên Giang, Cần Thơ đang bùng phát, TPHCM là đầu mối giao lưu của nhiều địa phương, như thế có nguy cơ bệnh tái xuất hiện ở thành phố. Sáng ngày 13/12, tại khoa Nhiễm – Thần kinh bệnh viện Nhi Đồng 1, có 68 em bệnh tay chân miệng, trong đó 10 em nặng và ba em rất nặng, biến chứng thần kinh – não. Cách đây một tuần, đã có một bệnh nhi tử vong vì bệnh này trước khi vào viện.

 

Theo BS trưởng khoa Trương Hữu Khanh, người dân chưa hiểu đúng về bệnh này, nghĩ rằng chỉ cần ăn chín, uống sôi là đủ, nhưng thật ra cần thiết hơn là phải rửa tay thật kỹ, không để mầm bệnh lan sang trẻ. Thay đổi một quan niệm phải mất thời gian dài, cần đến sự tuyên truyền của nhân viên y tế. Nhưng trong tình hình hiện nay, y tế quận/huyện đang thực hiện chia tách thành ba đơn vị (phòng y tế, bệnh viện, trung tâm y tế dự phòng), nhân sự thiếu trước hụt sau, có nơi bệnh viện và trung tâm y tế dự phòng không thuận thảo vì “miếng bánh” khám sức khoẻ (hai bên giành khám để lấy tiền!), mà quy chế phối hợp giữa hai đơn vị này thì sở Y tế thành phố vẫn chưa có!

 

Bác sĩ dự phòng, chờ “muối bỏ biển”

 

Thông tin mới nhất, kể từ năm 2008 đại học Y dược TPHCM sẽ mở thêm ngành học mới là y học dự phòng (thuộc khoa y tế công cộng) nhằm đào tạo bác sĩ chuyên khoa y tế dự phòng. Sau khi ra trường, các bác sĩ sẽ tham gia công tác phòng ngừa trong y học, y tế ở các trung tâm y tế từ trung ương đến địa phương. Thời gian đào tạo sáu năm, chỉ tiêu cho khoá đầu tiên là 50 sinh viên.

 

Một bác sĩ y tế dự phòng kỳ cựu cho biết, sau 20 năm sai lầm không đào tạo bác sĩ dự phòng mà chỉ đào tạo bác sĩ điều trị, nay bộ Y tế cũng nhận ra vấn đề, nhưng 50 bác sĩ ra trường vào năm 2014 thực sự chỉ là “muối bỏ biển” cho cả nước. Thật vậy, nhu cầu bác sĩ dự phòng hiện nay là cực lớn, nhưng không mấy ai mặn mà theo ngành này, bởi đãi ngộ từ tinh thần đến vật chất quá bạc. Một bác sĩ điều trị còn mở phòng mạch cải thiện sau giờ làm việc, còn bác sĩ dự phòng không thể, chưa kể còn phải lo chống dịch suốt đêm mà bồi dưỡng không bao nhiêu.

 

Theo ghi nhận của chúng tôi, trong đợt chia tách y tế cơ sở vừa qua ở TPHCM, không nhân viên y tế nào mặn mà chuyển sang y tế dự phòng. Có nơi thiếu người như quận Tân Phú, bác sĩ từ trạm y tế được lấy lên, khiến ở dưới lại “hỏng cẳng”. Tại trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, tình hình cũng tương tự. Một bác sĩ cho biết, nhân sự nhìn qua thì thấy đủ, nhưng thực sự rất thiếu vì người có chuyên môn làm y tế dự phòng không bao nhiêu. Từ “bộ đầu não” đã như thế, làm sao trách nhân sự ở quận/huyện! Vì thế, để phòng ngừa dịch bệnh, người dân không thể trông đợi hoàn toàn vào những biện pháp của cơ quan trách nhiệm. Chắc ăn nhất mỗi người hãy tự bảo vệ mình bằng nâng cao nhận thức, vệ sinh môi trường, vệ sinh ăn uống...

 

Theo Phan Sơn

Sài Gòn tiếp thị