Dịch bệnh sẽ quay lại nếu trẻ không được tiêm chủng

(Dân trí) - Kể từ khi xảy ra sự cố 1 cháu bé tử vong trong thời điểm đi tiêm văcxin tại TPHCM thì số người đưa con em đến tiêm chủng trên toàn quốc đã giảm 40-50%. Nếu tình hình kéo dài nguy cơ quay trở lại của các dịch bệnh như ho gà, bạch hầu là rất lớn.

Đó là lời phát biểu của PGS.TS Đỗ Sĩ Hiển- chủ nhiệm chương tiêm chủng mở rộng quốc gia (TCMRQG) trong buổi toạ đàm với báo giới ngày hôm qua (15/6).

 

Quan chức y tế quá chậm chạp?

 

Xin ông cho biết những vấn đề gì đã làm được và chưa được trong 20 năm thực hiện TCMR?

 

Không thể phủ nhận đây là chương trình mang lại nhiều lợi ích và hiệu quả thiết thực, góp phần không nhỏ trong việc khống chế, giảm nguy cơ mắc bệnh tật trong cộng đồng.

 

Ước tính, hiện nay nước ta có khoảng 1,5 triệu trẻ em trong độ tuổi phải tiêm phòng vac-xin, hằng năm trung bình mỗi cháu trong độ tuổi này phải tiêm  từ 8-10 liều vac-xin để phòng ngừa các bệnh như uốn ván, ho gà, bạch hầu, sởi... Như  vậy hàng năm chúng tôi đã thực hiện khoảng 15 triệu mũi tiêm cho trẻ em dưới 1 tuổi.

 

Trường hợp đáng tiếc của cháu nhỏ xảy ra tại TPHCM vừa qua tuy không nằm trong chương trình TCMR (cháu nhỏ đi tiêm dịch vụ) nhưng cũng là tín hiệu cảnh báo nhắc nhở đội ngũ y, bác sĩ đang thực hiện thao tác tiêm phòng cho các cháu trên toàn quốc.

 

Sự cố nói trên đã gây hoang mang và dẫn đến tình trạng giảm sút số lượng lớn trẻ được đưa đến tiêm phòng. Vì sao cho đến bây giờ cá nhân ông (chủ nhiệm TCMRQG) mới chính thức lên tiếng, như vậy có quá chậm chạp?

 

Chúng tôi không chậm, ngay sau khi sự cố xảy ra đã có sự chỉ đạo bằng công văn về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thực hiện các quy trình. Lý do khiến cá nhân tôi chưa chính thức lên tiếng vì muốn đợi minh chứng khoa học: đó là đã kết luận cuối cùng về việc không có độc tố trong vac-xin trong bất cứ lô sản phẩm nào trước đến nay. (Y tá tiêm cho cháu bé trong TPHCM có mang  khuẩn tụ cầu vàng).

 

Như vậy, đã đến lúc cần chấn chỉnh lại phương pháp và thái độ làm việc của một số cán bộ y tế?

 

Theo các chuyên gia y tế: Nếu để đầu mũi tiêm tiếp xúc với nguồn lây bệnh (có thể từ tay người trực tiếp tiêm) thì người được tiêm sẽ rất nguy hiểm. Do đó, trong đội ngũ y bác sĩ trực tiếp tiêm phải sàng lọc, những người nào có bệnh thì không được nhận công tác này.

 

Chúng tôi luôn có quy định, các y, bác sĩ luôn phải rửa tay sạch sẽ trước khi tiến hành công tác chuyên môn. Các gia đình đưa con đi tiêm cũng nên yêu cầu các bác sĩ phải thực hiện các thao tác trước khi tiêm phòng như đeo khẩu trang, bóc bơm kim tiêm tại chỗ, rút thuốc tại chỗ và cho kiểm tra thời hạn sửu dụng của loại vac-xin đó nếu thấy cần.

 

Các y, bác sĩ cũng có trách nhiệm phải tư vấn và trả lời những thắc mắc của gia đình trong vấn đề tiêm phòng và sức khoẻ của các cháu trong thời điểm chuẩn bị tiêm phòng.

 

Có nên tiêm phòng dịch vụ?

 

Ông khẳng định rằng việc tiêm vac-xin hoàn toàn toàn không gây nguy hiểm? 

 

Loại vac-xin nào cũng có phản ứng nhiều hay ít. Không nên tuyệt đối hoá bất cứ một việc nào. Khi đưa trẻ đi tiêm chủng, chúng có thể bị sốt, đau, nổi ban hay đưa đi cấp cứu, chuyện đó có thể xảy ra nhưng thành quả và lợi ích từ việc tiêm vac-xin không thể phủ nhận.

 

Hầu hết các phản ứng đều nằm trong dự đoán và. Trường hợp vừa xảy ra ở TPHCM là rất hy hữu.

 

Vac-xin dịch vụ có vai trò như thế nào trong phòng chống dịch bệnh và có nhất thiết là phải đi tiêm dịch vụ không thưa ông?

 

Vac-xin dịch vụ có ưu điểm là phối hợp nhiều loại vac-xin trong một mũi trẻ tiêm giúp trẻ tránh được nhiều bệnh (chương trình TCMR chưa có như rubela, quai bị mà chỉ có ở các dịch vụ). Tuy nhiên giá tiêm chủng dịch vụ hiện nay khá cao trong khi chương trìn TCMR hoàn toàn miễn phí. Điều quan trọng nhất là tất cả các chương trình đều phải quản lý nghiêm ngặt.

 

Với số lượng trẻ không đi tiêm chủng như hiện nay sẽ dẫn đến vấn đề gì?

 

Nếu 30% trẻ không tiêm trong thời gian dài sẽ đem lại hậu quả rất nặng nề (đã có bài học trên thế giới trong vấn đề bệnh dịch). Ở VN  hiện nay, tỷ lệ ho gà là 0,04, bạch hầu: 0,004 (đang ở mức rất thấp). Vì vậy, việc giảm sút số ca tiêm chủng trong những tháng tới hay thời gian vừa qua tuy không gây hậu quả ngay vì nguồn lây ít, nhưng nếu tình trạng kéo dài nguồn lây ấy sẽ nhân lên, số trẻ em cảm nhiễm nhân lên thì những bệnh như ho gà, bạch hầu có thể xuất hiện nhiều và trở thành dịch trong những năm tới.

 

Ông có lời khuyên gì đối với cha mẹ đưa con tiêm phòng? 

 

Cha mẹ nên chú ý cho con mình đi tiêm đúng lịch. Vì lý do này khác mà lỡ 1-2 tháng tiêm, thì có thể tiến hành tiêm bổ sung. Vì tiêm sau, các mũi tiêm vẫn có hiệu lực vac-xin. Không vì lo lắng, sốt ruột và cho con đi tiêm phòng vac-xin trước lịch, điều này có thể gây nên kháng thể bất lợi cho đứa trẻ.

 

Mỗi đứa trẻ, để phòng ngừa những bệnh thông thường, tối thiều phải thực hiện đủ 3 mũi tiêm. Tất nhiên cần tiến hành theo quy trình. Một trong những quy trình đó là trẻ cần được thăm khám để thử xem có phản ứng gì với thuốc không. Nếu trẻ có dấu hiệu phản ứng mạnh thì không được tiêm ngay.

 

Nhất thiết phải có chỉ định của bác sĩ thì mới được phép tiêm để tránh những trường hợp bị sốc thuốc, dẫn đến sốt cao, biến chứng. 

 

Phạm Thanh - Nguyễn Hiền

(thực hiện)

Dòng sự kiện: Chăm sóc trẻ