Dị ứng vì mỹ phẩm xịn
Gần đây, giới công sở Hà Nội xôn xao chuyện một phụ nữ bị dị ứng nặng do dùng mỹ phẩm xách tay, phải nhập viện điều trị tại Bệnh viện Da liễu Hà Nội. Mối lo này xuất phát từ việc chọn lựa hàng xách tay đang khá phổ biến tại các thành phố lớn.
BS Nguyễn Thành đang khám cho 1 bệnh nhân bị dị ứng da
Nguy cơ ở mọi loại mỹ phẩm
Bác sĩ Nguyễn Minh Quang, Phó giám đốc Bệnh viện Da liễu Hà Nội - cho hay bệnh nhân N.T.H. (35 tuổi, Hà Nội) đến khám khi đã xuất hiện nhiễm trùng với nhiều mụn chảy nước, hai bên má và vùng trán ken dày mụn đỏ. Hậu quả này bắt nguồn từ việc chị H. dùng một loại kem trắng da xách tay mua của người quen.
Do bị dị ứng dẫn đến nổi mụn, nhiễm trùng nên nếu không điều trị kịp thời chị H. có thể phải sống chung với hàng loạt sẹo lõm ngay trên mặt. Hậu quả đáng tiếc này sẽ không xảy ra nếu bệnh nhân cẩn thận thử một chấm kem lên vùng da cánh tay trước khi quyết định bôi vùng da mặt nhạy cảm khoảng một ngày.
Theo bác sĩ Quang, nhiều người chuộng hàng xách tay vì nghĩ nó là “đồ ngoại xịn”, nhưng để phân biệt được hàng thật/giả, hàng hiệu/nhái hiệu thì không phải người dùng nào cũng đủ thông tin để nhận diện.
Bác sĩ Quang nói thêm rằng corticoid cũng được dùng trong nhiều loại kem dưỡng da mà nếu để ý, người dùng sẽ tránh không bị lừa: “Nếu bôi phải loại kem lúc đầu thấy da mỏng hơn, trắng ra, dừng thuốc là mọc mụn, kích ứng thì phải nghi ngờ ngay chất corticoid có trong kem. Dạng mỹ phẩm này hay gặp ở những loại kem dưỡng da “gia truyền”, các loại kem trộn...”.
Giá đắt cho mộng “hồi xuân” của quý ông
Thông tin từ Bệnh viện Da liễu trung ương cho thấy một điều bất ngờ là bệnh nhân dị ứng mỹ phẩm gặp nhiều nhất thời gian gần đây lại chính là các quý ông. Dị ứng kem dưỡng da, thuốc nhuộm tóc, nhuộm râu... là nguyên nhân khiến nhiều quý ông trên con đường tìm cách “hồi xuân” đã phải dừng chân, chuyển khám và điều trị tại bệnh viện.
Sáng 29/6, ngay tại Bệnh viện Da liễu trung ương, ông V.V.T. (52 tuổi, Ba Đình, Hà Nội) ôm bộ mặt đỏ tấy, sưng vù đến khám. Ông T. kể trước đây từng dùng thuốc nhuộm tóc để thử nhuộm râu và hơi có cảm giác ngứa, nhưng không để ý. Tuần trước, một người họ hàng đi Hàn Quốc về tặng một hộp thuốc nhuộm tóc. “Được giới thiệu là thuốc có nguồn gốc thảo dược nên tôi hoàn toàn yên tâm. Không ngờ chỉ sau mấy tiếng bôi lên râu, cả vùng hàm mặt đỏ ửng, ngứa không chịu nổi, mọc mụn và chảy nước”, ông T. cho biết.
Bác sĩ Nguyễn Thành cho biết gọi là nguồn gốc thảo dược nhưng thành phần chính của thuốc vẫn là hóa chất nhuộm màu, có khả năng bám vào tóc và giữ màu, phần còn lại mới là thảo dược. Chính phần hóa chất nhuộm khiến ông T. bị dị ứng nặng, sưng nề và sinh mụn mủ nhiễm trùng. Cách thử dị ứng đối với thuốc nhuộm tóc, nhuộm râu cũng giống các mỹ phẩm khác là bôi một chấm nhỏ thử ở mặt trong cánh tay. Những người có cơ địa dị ứng như nổi mề đay, viêm da cơ địa, hen, chàm, eczema, dị ứng thức ăn, thuốc... cần hết sức thận trọng khi chọn thuốc. Ngoài ra, bất kỳ ai cũng không nên nhuộm tóc quá ba lần/tháng.
Trong tuần qua, tại Bệnh viện Da liễu trung ương đã có ba bệnh nhân nam bị dị ứng thuốc nhuộm tóc rất nặng. Theo bác sĩ Thành, những trường hợp này đều được chỉ định cắt bớt tóc và bôi dung dịch để hạn chế lượng dịch chảy ra gây ngứa.
Theo Ngọc Hà
Tuổi trẻ