Dị ứng thực phẩm

Khá nhiều người bị dị ứng khi ăn một số loại thực phẩm nào đó và phải sống chung với nó suốt đời vì không có thuốc chữa. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã cho thấy còn có những cách rất đơn giản làm giảm tình trạng bệnh đáng kể.

Biểu hiện của chứng dị ứng khá phức tạp: có khi chỉ là sự khó chịu nhưng cũng có khi rất đáng sợ, đe doạ sinh mạng. Bệnh thường xuất hiện khoảng 1h sau khi ăn.

 

Những dấu hiệu và triệu chứng thường gặp nhất của dị ứng đích thực là: nổi mày đay, ngứa hoặc lở loét ở da. Ngoài ra, là tình trạng sưng môi, mặt, lưỡi, họng và nhiều vị trí khác của cơ thể. Thở khò khè, xung huyết mũi hoặc rối loạn hô hấp. Đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn hoặc nôn. Chóng mặt choáng váng hay ngất. 

 

Trường hợp nặng, những phản ứng nói trên còn nghiêm trọng hơn, giống như choáng phản vệ: co thắt đường hô hấp, gồm cả phù nề họng gây rối loạn hô hấp, tụt huyết áp, mạch nhanh, choáng váng hay mất ý thức.

 

Dị ứng thực phầm đích thực bao giờ cũng là sự đáp ứng của hệ miễn dịch với thành phần của một loại thực phẩm cụ thể. Hệ miễn dịch bài tiết ra kháng thể IgE để chống lại thành phần đó dù chỉ có rất ít trong thực phẩm và thành phần này làm tiết ra chất histamine và nhiều chất khác để gây ra những dấu hiệu như chảy nước mũi, ngứa mắt, khô miệng, ban đỏ và nổi mày đay, tiêu chảy, khó thở… đe dọa sinh mạng. 

 

Đại đa số trường hợp dị ứng thực phẩm là do protein của sữa bò, trứng, lạc, lúa mạch, đậu tương, cá, sò hến…

 

Nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ bị dị ứng thực phẩm:

 

Cấu trúc gien học lưu hành trong gia đình: nếu trong gia đình có người bị hen, nổi mày đay hoặc viêm da lở loét thì nguy cơ bị dị ứng thực phẩm cũng tăng lên.

 

Tuổi: Thường xảy ra ở trẻ em, nhất là trẻ mới chập chững. Càng lớn thì hệ tiêu hoá càng trưởng thành và ít hấp thụ những chất gây dị ứng có trong thức ăn. May mắn là trẻ em khi lớn lên đã qua được tình trạng dị ứng với sữa, đậu tương, bột mì và trứng. Tuy nhiên, với những trường hợp dị ứng nghiêm trọng và dị ứng với đậu đỗ, lạc và hải sản có vỏ cứng (tôm, cua, sò, hến) thường sẽ tồn tại suốt đời.

 

Hen: người bị hen nhạy cảm với chất bảo quản thực phẩm có trong rượu vang, hoa quả tươi và khô, hải sản, một số đồ uống và rau xanh ở các nhà hàng.

 

Chẩn đoán

 

Dựa vào lịch sử các triệu chứng phát sinh khi ăn các loại thực phẩm, số lượng ăn, tiền sử gia đình, thói quen ăn uống, thuốc đã dùng, làm test trên da với thức ăn nghi ngờ (skin prick test), đo lượng kháng thể IgE (những test này không chính xác 100%), loại trừ dần những thức ăn nghi ngờ (nhưng cũng không hoàn toàn tin cậy vì còn có vai trò của yếu tố tâm lý và thể chất. Ví dụ: khi nghĩ rằng mình nhạy cảm với thức ăn nào đó thì có thể xảy ra phản ứng nhưng đó không phải là dị ứng đích thực. Nếu đã từng bị dị ứng nghiêm trọng thì phương pháp này không nên thực hiện).  Khám thực thể để xác định hay loại trừ những bệnh nội khoa khác . 

 

Điều trị

 

Nếu có biểu hiện dị ứng thì cần đi khám ngay, nhất là khi có triệu chứng của choáng phản vệ. Khi bị dị ứng thực phẩm nghiêm trọng, cần tiêm khẩn cấp adrenaline (epinephrine) rồi đưa đi cấp cứu. Nếu dị ứng thực phẩm chỉ là sự khó chịu thì dùng thuốc chống histamin để ngăn chặn sự bài tiết histamin của hệ miễn dịch. Bôi kem ngoài da cũng giúp giảm bớt phản ứng miễn dịch.

 

Phòng bệnh

 

Cần biết loại thực phẩm nào gây dị ứng để tránh; nếu bị dị ứng với chất bảo quản thực phẩm thì cần để ý xem trên bao bì có ghi dùng những phụ gia đó không (sodium bisulfite, potassium bisulfite, sodium sulfite, sulfur dioxide and potassium metabisulfit). 

 

Để đề phòng dị ứng ở trẻ em thì cần báo trước cho những người chăm sóc cháu; giải thích về tầm quan trọng khi trẻ bị dị ứng; với trẻ có thể bị dị ứng nặng thì cần đeo trên cổ biển hiệu ghi rõ dễ bị dị ứng với chất gì và cần điều trị bằng những thuốc nào. 

 

Chữa dị ứng tôm, cua, cá

 

Theo kinh nghiệm dân gian: Gừng tươi, lá tía tô (mỗi thứ 10g) rửa sạch, thái nhỏ, hãm với nước sôi trong 10 phút, rồi thêm đường (15g). Uống lúc nóng. Ngày 2 lần.

 

Fluocinolone acetonide: viết tắt là flucin có tác dụng chống dị ứng, tiêu viêm và chống ngứa, được dùng trong các trường hợp mẩn ngứa, viêm da thần kinh, viêm da do tiếp xúc với các vật, các chất gây dị ứng.

 

Tuy nhiên việc lạm dụng (bị một nốt mụn trên da cũng dùng thuốc này để bôi; hơi ngứa ngáy ở da cũng bôi... mà không hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa) chẳng những không chữa khỏi bệnh mà còn có thể gặp phải những phản ứng phụ.

 

Ví dụ: khi mắc bệnh nấm, viêm nang lông do vi khuẩn làm mủ, bệnh thủy đậu, bệnh ghẻ lở và những bệnh có nổi mụn ở da, nếu bôi thuốc flucin thì chẳng những không khỏi bệnh mà còn làm cho bệnh lan rộng thêm ra và trở nên nghiêm trọng hơn. Bởi vậy, nhất thiết không được tuỳ tiện dùng thuốc flucin.

 

Một phương pháp phòng chống dị ứng đơn giản

 

Một nghiên cứu gần đây của Allergy Research Group (Mỹ), cho thấy tác dụng làm giảm dị ứng rõ rệt bằng cách tăng lượng nước uống hàng ngày.

 

7 bệnh nhân tuổi từ 16 – 54 được nghiên cứu sau khi đã loại trừ bệnh tim mạch, cao huyết áp, bệnh thận và có các chỉ số sinh hoá máu trong giới hạn bình thường. Họ có những biểu hiện dị ứng từ nặng đến rất nặng, chủ yếu là với phấn hoa, đã được điều trị bằng rất nhiều loại thuốc.

 

Nhóm bệnh nhân này đã được dùng từ 10 - 14 cốc nước mỗi ngày, mỗi cốc có thể tích 200ml. Các hoạt động thể lực, dinh dưỡng vẫn theo chế độ bình thường. Sau 28 ngày, các triệu chứng dị ứng đã giảm 70%, lượng thuốc phải dùng cũng giảm tương ứng khoảng 80%.

 

Phương pháp có vẻ đơn giản này khiến nhiều người hoài nghi, còn các hãng dược phẩm thì tất nhiên “chẳng hứng thú” gì. Cũng cần lưu ý là không nên thay nước bằng một lượng tương đương là rượu hay bia vì các đồ uống này chỉ làm dị ứng nặng thêm.

 

Theo Bác sĩ Đào Xuân Dũng

Tuổi trẻ