1. Dòng sự kiện:
  2. Công nhân Vĩnh Phúc ngộ độc tập thể

Đi tìm “cái sự mịn màng”

Cứ đến dịp cuối năm, do nhu cầu sử dụng mỹ phẩm tăng nên số lượng bệnh nhân bị dị ứng mỹ phẩm cũng tăng theo. Trong đó, đa số bệnh nhân dị ứng với sản phẩm dưỡng da như kem chống nám, chống nhăn, chống khô da…

Tiền mất, tật mang…

 

Trước đây, chị H. (Thanh Xuân, HN) thường được các đồng nghiệp khen là có nước da mịn màng, không cần trang điểm gì mà lúc nào cũng tươi tắn, hồng hào. Ấy thế mà vài năm gần đây, ở vào tuổi “băm mấy nhát”, da dẻ của chị H. bắt đầu có dấu hiệu “xuống cấp”. Cứ mỗi khi thu tới, đông về là chị thấy mặt mình căng nóng, khô và nẻ. Đặc biệt là xung quanh mắt đã xuất hiện nhiều vết rạn chân chim… Chị bắt đầu tìm hiểu về các biện pháp chăm sóc da. Và sử dụng mỹ phẩm là lựa chọn số 1 của chị vì nó vừa dễ thực hiện mà theo lời quảng cáo là rất hiệu quả.

 

Chị H. tìm đến một công ty mỹ phẩm khá uy tín để được tư vấn về cách dùng mỹ phẩm chăm sóc da. Tại đây, chị được soi da để xem da khỏe yếu, da thuộc loại khô hay nhờn… Cuối cùng, chị được kết luận là da hỗn hợp thiên khô, nhiều nếp nhăn quanh mắt và bắt đầu có dấu hiệu chảy xệ.

 

Rất nhanh nhẹn, cô nhân viên bán hàng của công ty mang đến cho chị một lô các sản phẩm chăm sóc da. Đây là bộ mát xa da mặt, nếu dùng bộ mát xa này mỗi tuần 2 lần, đảm bảo chỉ trong thời gian ngắn da sẽ hồng hào, tươi tắn trở lại mà không cần trang điểm. Còn đây là 2 sản phẩm chống nhăn và chống chảy xệ, chị bôi trước khi đi ngủ sẽ giúp làm mờ nếp nhăn quanh mắt, chống chảy xệ da nơi má. Đây là kem chống nắng…

 

Dù đã rất bùi tai nhưng còn một băn khoăn nho nhỏ là chị rất khó tự mình thực hiện các công đoạn mát xa da mặt. Băn khoăn này của chị được cô nhân viên giải quyết ngay: Chị đừng ngại, mỗi tuần chị sắp xếp 2 buổi trưa đenes công ty, bọn em sẽ mát xa, xông hơi miễn phí giúp chị. Nếu chị không có thời gian, em sẽ đến tận nhà vào buổi tối…

 

Ngót nghét chục triệu cho bộ sản phẩm dưỡng da hoành tráng, H. hy vọng khi sử dụng ít lâu, chị sẽ có một làn da như ý.

 

Đúng lời hẹn, một tuần 2 lần, cô nhân viên đến nhà chăm sóc da cho H. Đúng là bỏ tiền ra có khác! Hiệu quả thật, mỗi lần mát xa xong, H. thấy mặt mũi nhẹ nhõm hồng hào và bớt khô nẻ. Nhưng đến lần thứ 3 thì không ổn, trên mặt H. xuất hiện những nốt mẩn đỏ ở phía dưới hàm, rồi cằm, rồi lan lên má… Các nốt mọc ngày một to, đỏ và lan ra khắp cả vùng da mặt. Chị hốt hoảng gọi điện thì được cô nhân viên giải thích: Có lẽ do sự trùng hợp, trong thời gian này chị có sự thay đổi nội tiết chứ sản phẩm của chúng em là loại cao cấp, không gây kích ứng da…

 

H. lại lụi cụi đi khám nội tiết, rồi da liễu… Cuối cũng bác sĩ kết luận: Chị bị dị ứng mỹ phẩm!

 

Lúc ấy, H. mới hiểu rằng: tiền nhiều, mỹ phẩm hàng hiệu, cô nhân viên chăm sóc chu đáo vẫn chưa đủ bởi mỹ phẩm không phải là thứ có thể phù hợp với tất cả mọi loại da.

 

May mà còn kịp

 

Trường hợp của P. (Thái Hà, HN) thì lại khác. 27 tuổi, là một kế toán của một công ty liên doanh với nước ngoài nên công việc cuốn hết thời gian của cô. Cuối năm nay, P. lại lên xe hoa. Vừa việc công ty, vừa việc riêng nên P. rất bận rộn, cô gầy rộc hẳn đi, da sạm lại và khô nẻ. Trang điểm thử, thấy phấn không “ăn” vào da mà cứ mốc trắng lên, P. rất lo ngại. Ngày cưới càng đến gần, da dẻ thế này thì khi trang điểm cô dây trông sẽ ra sao?... Dù được bạn bè tư vấn đến spa để chăm sóc da nhưng P không sao thu xếp được thời gian. Cô quyết định ghé một cửa hàng mỹ phẩm và mua một bộ kem dưỡng da giữ ẩm. Tại đây, P. được tư vấn cách lựa chọn mỹ phẩm như thế nào… Cô yên tâm mang bộ mỹ phẩm về nhà và làm đúng theo hướng dẫn của cô bán hàng. Nhưng khoảng 2 tiếng sau, P. thấy mặt nóng rát rồi sưng đỏ…

 

Hóa ra, P. đã mua phải mỹ phẩm dởm. Đã không cải thiện được làn da mà còn phải đến bệnh viện điều trị dị ứng mỹ phẩm mất 10 ngày. Tuy bây giờ, trên mặt chỉ còn mất vế da tróc, P. có thể yên tâm đến hôm cưới sẽ khỏi hoàn toàn nhưng cô được một phen hú vía.

 

Những nguy hiểm khó lường

 

Hiện chưa có số liệu thống kê số bệnh nhân bị dị ứng mỹ phẩm bởi đa số các trường hợp dị ứng mỹ phẩm thường không nặng, nên bệnh nhân ngại đi khám. Tuy nhiên, cứ đến dịp cuối năm, do nhu cầu sử dụng mỹ phẩm tăng nên số lượng bệnh nhân bị dị ứng mỹ phẩm cũng tăng lên. Trong đó, đa số bệnh nhân dị ứng với sản phẩm dưỡng da như kem chống nám, chống nhăn, chống khô da…

 

Bác sĩ Nguyễn Hữu Trường, Khoa Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng, BV Bạch Mai cho biết: Dị ứng mỹ phẩm rất nguy hiểm, nhiều khi dẫn tới những biến chứng khó lường. Trong một số mỹ phẩm có chứa corticord, nếu dùng kéo dài có thể dẫn tới những tác dụng phụ như giãn mạch, teo da, sạm da, mụn trứng cá đỏ… thậm chí có trường hợp còn bị sung huyết, phù nề, phù quincke… Ở một số trường hợp dùng son môi kém chất lượng thì xảy ra tác dụng phụ là khô môi, bong tróc da môi, thậm chí bong tróc kéo dài từ vài tháng đến vài năm…

 

Tuy nhiên, dị ứng mỹ phẩm hoàn toàn có thể phòng tránh được nếu người sử dụng có được thông tin và hiểu biết đầy đủ về sản phẩm. Người sử dụng nên tránh những sản phẩm không rõ nguồn gốc, không có hạn sử dụng… Đối với những người có tiền sử dị ứng, không nên tự ý mua các loại sản phẩm mỹ phẩm về dùng mà cần có sự tư vấn của các nhà chuyên môn.

 

Lời khuyên của thầy thuốc

 

Việc dùng mỹ phẩm hiện là một như cầu tất yếu của xã hội, nhất là chị em. Để việc sử dụng mỹ phẩm đạt được mục đích và an toàn, theo bác sĩ chuyên khoa II Bùi Khánh Duy, Phó chủ nhiệm bộ môn Da liễu, Học viện Quân y 103, cần lưu ý một số điểm sau:

 

- Nên chọn loại mỹ phẩm của các hãng có uy tín, đã được nghiên cứu kỹ về dược học, sinh lý da và được các labo nghiên cứu thẩm định trên thực nghiệm.

 

- Nên thử phản ứng của da trước khi dùng. Cách đơn giản nhất là bôi mỹ phẩm lên vùng da ở mặt trong cánh tay và theo dõi từ 24 – 48 giờ, nếu không có phản ứng mới dùng bôi lên mặt.

 

- Kiểm tra hạn sử dụng, sản phẩm phải còn nguyên vẹn, tem và chữ in trên sản phẩm phải rõ ràng.

 

- Mỹ phẩm có thể hỏng sớm do bảo quản không đúng cách (như để chỗ nóng, nhiều ánh sáng, dùng tay bẩn để quệt vào hộp kem…). Vì vậy, dù chưa hết hạn cũng phải ngừng sử dụng nếu thấy sản phẩm thay đổi trạng thái, mùi, màu sắc…

 

- Một số trường hợp có thể bị dị ứng mỹ phẩm dưới dạng viêm da tiếp xúc, da mặt viêm đỏ, phù nề, nổi mụn nước, ngứa, trứng cá, nám da… Nếu thấy xuất hiện một trong các triệu chứng trên, cần dừng ngay việc dùng mỹ phẩm và đến các bác sĩ chuyên khoa da liễu để được khám và điều trị.

 

Theo Châu Anh

Sức khỏe & Đời sống