Đi bộ đúng cách

(Dân trí) – Đi bộ vốn là môn thể dục quá đỗi quen thuộc với nhiều người. Nhưng đi bộ như thế nào mới đúng cách, phù hợp với tình trạng sức khoẻ bản thân và mang lại hiệu quả tốt nhất?

Dưới đây là 5 cách đi bộ phổ biến nhất:

 

Đi bộ phổ thông

 

Cách đi này chỉ nhanh hơn so với đi bộ bình thường một chút, tốc độ từ 60 – 90 bước/phút. Phương pháp đi bộ này thích hợp với những người bị bệnh động mạch vành, cao huyết áp, di chứng sau xuất huyết não hoặc bị bệnh về đường hô hấp, điển hình là hen.

 

Với những người bị các bệnh trên, nếu đi bộ nhanh sẽ khiến cơ thể phải gắng sức, là nguy cơ làm tăng cơn hen, cao huyết áp… Mỗi ngày, chỉ nên đi bộ với phương pháp này vào buổi sáng sớm và chiều muộn, mỗi lần từ 20 – 40 phút tuỳ theo tình trạng sức khoẻ của mỗi người.

 

Đi bộ vung tay

 

Cách đi này rất thích hợp với những người bị bệnh viêm quanh vai, viêm khớp các chi, viêm khí quản mạn tính, viêm phổi. Vì khi đi bộ, hai tay vung mạnh ra trước, sau sẽ kích thích sản xuất ra các chất nhờn cho khớp, làm khớp đỡ đau hơn.

 

Đi bộ vung tay cần đảm bảo tốc độ từ 60 – 90bước/phút.

 

Cách đi buông hai tay

 

Khi đi bộ, hai tay để sát bên sườn. Cứ đi tiến được 100 bước lại lùi lại 50 bước, mỗi lần lặp lại khoảng 5 – 10 lần. Phương pháp này rất thích hợp với những người mắc bệnh thần kinh.

 

Đi bộ nhanh

 

Tốc độ đi bộ được tính là nhanh phải đạt từ 90 – 120 bước/phút. Đi bộ nhanh thích hợp với người già khoẻ mạnh và người bị bệnh viêm khớp mạn tính, bệnh đường ruột, bị cao huyết áp trong thời kỳ hồi phục.

 

Với phương pháp này, khớp gối được vận động nhanh sẽ sinh ra được nhiều chất nhờn giảm đau khớp. Tuy nhiên, từng trường hợp cụ thể mà có thời gian đi bộ nhanh khác nhau. GS.TS Trần Ngọc Ân, Chủ tịch Hội thấp khớp học VN cho biết, với những người già, người bị viêm khớp, đi bộ nhanh tối đa chỉ 60phút/ngày và nên chia làm hai lần. Vì nếu đi bộ nhanh quá nhiều lại là nguy cơ lớn gây thoái hoá khớp, đặc biệt là khớp gối.

 

Vừa đi vừa xoa bụng

 

Vừa đi bộ, vừa dùng tay xoa vòng tròn lên bụng. Với phương pháp này, tốc độ đi không cần nhanh quá, chỉ cần từ 30 – 60 bước/phút.

 

Mỗi bước đi xoa bụng một vòng sẽ có tác dụng tăng cường chức năng ruột, dạ dày.

 

H.Sam